Các thể bệnh giang mai

0
1204
Biểu hiện săng giang mai

 

Bệnh giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên.

Bệnh có thể gây thương tổn ở da-niêm mạc và nhiều tổ chức, cơ quan của cơ thể như cơ, xương, khớp, tim mạch và thần kinh

Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có thể lây truyền qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con

Bệnh có thể gây hậu quả trầm trọng như giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, giang mai bẩm sinh

DỊCH TỄ HỌC

+ Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương có trên 35 triệu trường hợp mới mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (NTLQĐTD) trong đó giang mai chiếm 2%.

+ Ở Việt Nam: theo thống kê hàng năm, bệnh giang mai chiếm khoảng 2-5% tổng số các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

NGUYÊN NHÂN

  • Bệnh gây nên do xoắn khuẩn có tên khoa học là Treponema pallidum
  • Xoắn khuẩn giang mai rất yếu, ra ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, chết nhanh chóng ở nơi khô; ở nơi ẩm ướt có thể sống được hai ngày. Nhiệt độ thích hợp cho xoắn khuẩn phát triển là 37 độ. Xà phòng và các chất sát khuẩn có thể diệt được xoắn khuẩn trong vài phút.
  • Xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể người lành qua giao hợp đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng.

Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn trùng hoặc lây qua các vết xước trên da-niêm mạc khi thầy thuốc tiếp xúc mà không có bảo hộ.

  • Lây do truyền máu: truyền máu hoặc tiêm chích mà bơm kim tiêm không vô khuẩn.
  • Lây từ mẹ sang con: thường sau tháng thứ ba của thai kỳ, gây bệnh giang mai bẩm sinh.

PHÂN LOẠI

Có thể chia bệnh giang mai thành 2 loại:

1. Giang mai mắc phải:

Biểu hiện săng giang mai

Mắc bệnh do quan hệ tình dục với người bệnh, gồm các thời kỳ sau:

A. Giang mai mới và lây (≤ 2 năm), gồm:

+ Giang mai thời kỳ I:

  • Thời gian ủ bệnh khoảng 3-4 tuần
  • Diễn biến trong 2- 3 tháng.

+ Giang mai thời kỳ II sơ phát và tái phát:

  • Với biểu hiện là đào ban giang mai, mảng niêm mạc và sau đó có thể xuất hiện những thương tổn giang mai thâm nhiễm sâu hơn vào da.
  • Các đợt phát xen kẽ với các đợt ẩn bệnh, thường diễn biến trong 2 năm.

+ Giang mai kín sớm:

  • Các thương tổn giang mai biến mất, không có triệu chứng thực thể và cơ năng, thường gặp trong vòng hai năm đầu.

B. Giang mai muộn và không lây (> 2 năm): xuất hiện từ năm thứ ba trở đi, gồm:

+ Giang mai kín muộn:

  • Trên da không có thương tổn, có thể kéo dài vài tháng hay rất nhiều năm (có thể 10-20 năm hoặc lâu hơn).
  • Chỉ phát hiện bằng phản ứng huyết thanh hoặc có khi đẻ ra một em bé bị giang mai bẩm sinh thì người mẹ mới được phát hiện ra mắc bệnh.

+ Giang mai thời kỳ III:

  • Xuất hiện có thể hàng chục năm sau mắc bệnh.
  • Thương tổn ăn sâu vào tổ chức dưới da, niêm mạc, cơ quan vận động (cơ, xương, khớp), tim mạch và thần kinh.

2. Giang mai bẩm sinh

Giang mai bẩm sinh

A. Giang mai bẩm sinh sớm:

  • Xuất hiện trong hai năm đầu sau khi sinh.
  • Các thương tổn giống như giang mai mắc phải ở thời kỳ II.

B. Giang mai bẩm sinh muộn:

  • Xuất hiện từ năm thứ 2 sau khi sinh.
  • Thương tổn giống giang mai thời kỳ III.

Di chứng của giang mai bẩm sinh gồm các sẹo, dị hình như trán dô, trán dô và mũi tẹt tạo thành hình yên ngựa, xương chày cong lưỡi kiếm,  tam chứng Hutchinson (răng Hutchinson, điếc nhất thời, lác quy tụ) do thai nhi đã mắc giang mai từ trong bào thai.