Vai trò dinh dưỡng của Vitamin B

0
682
Vitamin B

Vitamin B ( B1, B2), cần thiết cho sự hoạt động và quá trình phát triển của tổ chức, thiếu vitamin sẽ gây ra những rối loạn chuyển hoá quan trọng, ảnh hưởng tới  sự phát triển, sức khoẻ và gây các bệnh đặc hiệu.

Vitamin B

Vitamin B1 (Thiamin)

Khi thiếu vitamin B1 gây ra hàng loạt các rối loạn có liên quan tới các rối loạn dẫn truyền thần kinh như tê bì, táo bón, hồi hộp, chán ăn , ăn không ngon miệng, suy tim.

Có nhiều thể lâm sàng của bệnh Beriberi: Thể thần kinh (hậu quả nặng là liệt), thể tim to (bệnh nhân có thể chết nhanh chóng, thể não (bệnh nhân chán ăn, nôn, lo lắng, chán nản, thờ ơ…). Các thể lâm sàng này thường phối hợp xuất hiện trên cùng một người.

Tình trạng thiếu vitamin B1 thường xuất hiện ở những vùng lũ lụt, ngũ cốc bị hư hỏng do ẩm mốc, hoặc ở những gia đình ăn gạo xay xát quá trắng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ có thai và trẻ em.

 Nhu cầu vitamin B1

  • Nhu cầu vitamin B1 đối với cơ thể tỷ lệ thuận với nhu cầu năng lượng, đồng thời khẩu phần ăn càng nhiều glucid thì nhu cầu vitamin B1 càng cao.
  • Theo nhiều nghiên cứu đã cho thấy, nhu cầu tối thiểu để phòng bệnh BeriBeri là 0,28mg vitamin B1 cho 1.000 Kcalo khẩu phần.
  • Theo FAO/WHO thì nhu cầu vitamin B1 cho mọi lứa tuổi và đối tượng lao động là 0,4mg/1.000 Kcalo. Người ta cũng đề nghị tăng nhu cầu vitamin B1 cho phụ nữ có thai, cho con bú và những người lao động ở vi khí hậu lạnh.

Nguồn cung cấp vitamin B1

Nguồn thực phẩm cung cấp Vitamin B1
  • Vitamin B1 có phổ biến trong thức ăn nguồn gốc thực vật như: Trong các hạt ngũ cốc, đậu xanh, đậu tương. Vitamin B1 có nhiều nhất trong phần mầm và lớp vỏ lụa của gạo. Chúng tồn tại chủ yếu dưới dạng thiamin tự do.
  • Trong thức ăn nguồn gốc động vật vitamin B1 có trong: Thịt nạc, lòng đỏ trứng, gan, thận. Chúng tồn tại dưới dạng liên kết photphat hay pyrophotphat.

Vitamin B2  (Riboflavin)

Qua nghiên cứu người ta thấy phụ nữ tuổi sinh đẻ, nhất là có thai, cho con bú và trẻ em là những nhóm nguy cơ cao mắc thiếu vitamin B2. Nghiên cứu của Valde Marne cho thấy có 19 – 31% phụ nữ và 8 – 22% nam thiếu vitamin B2 về mặt sinh hoá. Khi thiếu vitamin B2 sẽ có tổn thương ở giác mạc và nhân mắt, tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá, nứt môi, viêm lưỡi, viêm họng, gây tổn thương da…

Vai trò của vitamin B2

  • Riboflavin là thành phần của nhiều hệ thống men tham gia chuyển hoá như flavin-mono-nucleotit, flavin – adenine – dinucleotit, đây là các enzim quan trọng trong sự hô hấp của tế bào và mô như chất chuyển hydrogen.
  • Vitamin B2 cần cho chuyển hoá một số acid amin, khi thiếu thì một phần các acid amin của thức ăn không được sử dụng và ra theo nước tiểu. Ngược lại khi thiếu protein thì quá trình tạo men flavoprotein bị rối loạn. Vì vậy, khi thiếu protein thường xuất hiện triệu chứng thiếu vitamin B2.
  • Vitamin B2 có ảnh hưởng đến cấu trúc của màng tế bào, nó làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với một số chất.
  • Ngoài ra, vitamin B2 có ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ ánh sáng của mắt nhất là đối với sự nhìn màu, liên quan đến sự phát triển thai nhi.

 Nhu cầu của vitamin B2

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhu cầu vitamin B2 là 0,55mg/1.000 Kcal

Nguồn cung cấp vitamin B2

  • Khá phổ biến trong các loại thức ăn, có nhiều trong thực phẩm động vật như: sữa, thịt, phủ tạng của động vật…
  • Trong thực phẩm thực vật thì có nhiều trong phần vỏ và mầm các hạt ngũ cốc, các loại lá xanh, đậu đỗ.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com