CÁCH CHĂM SÓC TRẺ VIÊM PHỔI

0
493
Cần đưa trẻ đi khám ngay để được tư vấn khi trẻ có biểu hiện viêm phổi.

Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ em và là một trong nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.

Do đó, khi trẻ có những biểu hiện ban đầu của viêm đường hô hấp trên như ho, ngạt mũi, chảy nước mũi thì phải điều trị ngay và điều trị triệt để vì cơ thể trẻ còn non yếu, sức đề kháng kém, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên các tác nhân gây bệnh rất dễ xâm nhập, gây ra nhiễm trùng lan tỏa và để lại những hậu quả nặng nề.

Nếu trẻ có các biểu hiện như: ho, thở nhanh, phập phồng cánh mũi, đầu gật gù theo nhịp thở, co kéo các cơ liên sườn, hoặc có dấu hiệu tím tái ở lưỡi, quanh môi, đầu chi, hoặc có cơn ngừng thở thì có thể trẻ đã bị viêm phổi, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Cần đưa trẻ đi khám ngay để được tư vấn khi trẻ có biểu hiện viêm phổi.

Bên cạnh cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ thì cha mẹ cũng cần biết cách chăm sóc trẻ trong thời gian bị viêm phổi như sau:

1.Khi trẻ bị sốt:

Không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay, điều đó là không cần thiết nếu trẻ sốt < 38,5, vì thực chất sốt chính là phản ứng có lợi của cơ thể để chống lại tác nhân gây bệnh. Việc quan trọng mà cha mẹ cần làm ngay là:

-Nới rộng quần áo, tã lót cho trẻ.

-Chườm ấm cho trẻ, nhất là ở vùng nách, bẹn.

-Cho trẻ uống nhiều nước, bú sữa mẹ đầy đủ.

-Nếu trẻ sốt > 38,5 thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ: paracetamol 10-15mg/kg/lần, nếu trẻ không hạ sốt thì sau 4-6h có thể cho trẻ uống tiếp thuốc hạ sốt.

2.Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ:

Cần cho trẻ ăn đủ chất, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, nếu trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú đều đặn, không phải kiêng bất cứ loại thức ăn nào. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ngạt mũi hoặc nhiều đờm thì sẽ bú khó khăn hơn, vì thế, cha mẹ cần làm thông thoáng, sạch mũi cho trẻ bằng cách hút mũi( có thể hút mũi bằng bơm tiêm, quả bóp cao su, hoặc bằng máy), thay đổi tư thế cho trẻ( nằm ngửa, kê gối dưới vai, đầu nghiêng sang 1 bên) hoặc vỗ rung cho trẻ để trẻ có thể bú dễ dàng hơn.

Tăng cường dinh dưỡng khi trẻ bị viêm phổi.

3.Cho trẻ uống nhiều nước:

Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú mẹ để cung cấp nước cho trẻ: vừa để bù lại lượng nước đã mất đi ( do trẻ sốt cao), vừa có tác dụng làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho.

4.Khi trẻ bị ho:

Thực chất ho là một phản xạ có lợi của cơ thể để tống đờm dãi ra ngoài, làm thông thoáng đường dẫn khí giúp cho trẻ thở dễ dàng hơn.Vì vậy, cha mẹ không nên lạm dụng quá nhiều các loại thuốc ho để làm giảm phản xạ có lợi này của trẻ.Tuy nhiên, nếu ho quá nhiều làm cho trẻ mất ngủ, quấy khóc, nôn trớ, bỏ bú thì cần báo ngay cho bác sỹ để được tư vấn dùng thuốc ho đúng.

5.Lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ:

Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu nặng sau để đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời:

-Trẻ quấy khóc hoặc mệt mỏi, li bì.

-Trẻ thở nhanh, mạnh hơn bình thường.

-Trẻ bú kém, bú ngắt quãng hoặc bỏ bú.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại :Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi