Contents
Đại cương
Tiêu chảy cấp là đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/24h và thời gian không kéo dài 14 ngày, thường dưới 7 ngày.
Tiêu chảy cấp là bệnh khá phổ biến, có tỷ lệ mắc và tử vong cao, nhất là ở các nước kém phát triển.
Nguyên nhân chính gây ra tiêu chảy cấp là do Rotavirus (thường gây bệnh cho trẻ dưới 2 tuổi).Ngoài ra còn do một số tác nhân khác như: adenovirus, E.coli, Shigella, Salmonella, tả, Entamoeba hystolitica….Chúng thường xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống và có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng dẫn đến trụy tim mạch, suy kiệt, tử vong nếu không được điều trị kịp thời; tình trạng trên càng diễn biến nhanh hơn, nặng nề hơn khi trẻ bị tiêu chảy cấp kèm theo nôn ói.
Do đó, khi phát hiện trẻ có biểu hiện tiêu chảy cấp, cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách:
1.Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy:
-Cho trẻ ăn như bình thường, không kiêng khem và không thay đổi thành phần thức ăn của trẻ.Quan niệm sai lầm của một số ông bố, bà mẹ khi chăm sóc trẻ tiêu chảy thường bắt trẻ kiêng khem quá mức, làm cho cơ thể trẻ thiếu năng lượng, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, không đủ năng lượng để chống đỡ lại các tác nhân gây bệnh. Không những thế còn làm chậm hồi phục tổ chức ruột bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy kéo dài khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển.
-Tuy nhiên, khi bị tiêu chảy, trẻ thường biếng ăn do cơ thể ít nhiều cũng bị mất một lượng nước nhất định nên trẻ rất mệt mỏi, vì vậy,cha mẹ cần chú ý chế biến các món ăn dưới dạng lỏng, mềm như súp, cháo (cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt,…) và phải kiên nhẫn cho trẻ ăn chậm, ăn nhiều bữa nhỏ; nếu cố ép cho trẻ ăn nhanh thì trẻ dễ bị buồn nôn, nôn.
2.Bù nước:
-Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để phòng ngừa mất nước do tiêu chảy.
-Nếu trẻ đang được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì cần tăng cường cho trẻ bú nhiều lần hơn và uống nước chín là đủ.
-Đối với trẻ lớn hơn thì cần bổ sung thêm cho trẻ các loại nước như: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín….
-Cha mẹ chỉ cần hạn chế cho trẻ uống đồ uống có ga và thức ăn quá ngọt vì chúng sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, nếu trẻ đang sử dụng các thực phẩm nhuận tràng thì cần tạm ngưng.
-Cho trẻ uống dung dịch ORESOL để bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân, pha và dùng theo đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc và chỉ sử dụng dung dịch ORESOL đã pha trong vòng 24 giờ.
3.Những việc không nên làm khi trẻ bị tiêu chảy cấp:
-Không cho trẻ uống thuốc “cầm” ỉa, hoặc ăn lá ổi, hồng xiêm xanh,… vì nếu làm như thế,các tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp lại càng ứ đọng lại đường tiêu hóa, không bị đào thải ra ngoài,càng dẫn đến bệnh kéo dài và nặng thêm.
-Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
-Cần cho trẻ đi khám ngay khi trẻ có những biểu hiện sau:
+Đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục), hoặc phân có lẫn máu, lẫn nhầy.
+ Nôn quá nhiều, làm trẻ không ăn uống được.
+Trẻ diễn biến xấu đi, có sốt hoặc sốt cao hơn.
+Trẻ rất khát nước.
+ Ăn uống kém hoặc bỏ bú.
+ Trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.
Copy ghi nguồn DaiHocDuocHaNoi.com
link bài viết Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp