Thiếu hay thừa các chất dinh dưỡng đặc biệt là Protein đều là nguy cơ mắc các bệnh do dinh dưỡng không hợp lý. Do vậy, cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng Protein cho cơ thể.
Contents
Vai trò dinh dưỡng
Đã từ lâu, người ta thừa nhận rằng protein thức ăn là chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cơ thể:
- Nếu khẩu phần của trẻ em không đảm bảo nhu cầu protein thì trẻ em sẽ chậm tăng cân, rồi giảm cân, trong trường hợp thiếu protein kéo dài thì sẽ bị còi cọc, dễ mắc bệnh nhiễm trùng hơn các trẻ em phát triển bình thường.
- Bà mẹ có thai bị thiếu protein trong khẩu phần thì vừa ảnh hưởng dến cân nặng trẻ sơ sinh vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và khả năng tiết sữa.
- Những bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng, bệnh nhân hậu phẫu cũng cần có nhu cầu protein cao hơn để phục hồi, nếu thiếu protein thì có thể ảnh hưởng đến quá trình làm lành các tổn thương.
- Năng lượng của khẩu phần thực tế thường có 10 – 15% là do protein cung cấp.
- Ở các nước kinh tế kém phát triển thường có năng lượng do protein cung cấp với tỷ lệ thấp hơn và nhiều protein nguồn gốc thực vật hơn.
- Có vai trò kích thích gây cảm giác thèm ăn, nhất là protein nguồn gốc động vật.
Nhu cầu protein
Bản chất của nhu cầu protein:
- Nhu cầu protein cho duy trì quá trình thay cũ đổi mới, bù đắp lượng nitơ mất theo da, phân và trong chu kỳ kinh nguyệt, nhu cầu protein để phát triển cơ thể đang lớn, phụ nữ có thai cần protein để xây dựng tổ chức mới, người mẹ cho con bú mỗi ngày tiết 500 ml sữa có khoảng 10,5 g protein.
- Nhu cầu protein cho quá trình hồi phục sau một chấn thương (mổ, bỏng) hay sau khi ốm khỏi, cơ thể cần protein để hồi phục.
Người trưởng thành: Cần phải đảm bảo 1,25 g/kg/24 giờ, năng lượng do protein cung cấp dao động từ 12 – 14% tổng số năng lượng khẩu phần trong đó protein động vật chiếm 30 – 35% tổng số protein.
Phụ nữ có thai 6 tháng đầu, mỗi ngày thêm 10 – 15 g, phụ nữ có thai 3 tháng cuối, mỗi ngày thêm 12 – 18 g, cho con bú trong 6 tháng đầu mỗi ngày thêm 20 – 25g, cho con bú các tháng sau thêm mỗi ngày 16 – 19 g.
Nguồn cung cấp protein
Thực phẩm nguồn gốc động vật
- Thịt các loại, tôm cá và các thuỷ hải sản, trứng, sữa là những thực phẩm giàu protein, hàm lượng protein ở đây trung bình từ 16 – 20 %.
- Đó là nguồn protein quý, có hàm lượng cao các acid amin cần thiết, tỷ lệ các acid amin cân đối hơn về thành phần.
- Tuy vậy, cũng cần chú ý rằng protein động vật ở các phủ tạng, thịt bụng, thịt sỏ, chân giò có giá trị sinh học thấp hơn do chứa nhiều tổ chức liên kết.
Thực phẩm nguồn gốc thực vật
- Đậu tương, gạo, mì, ngô, các loại đậu khác… là nguồn protein quan trọng trong khẩu phần hiện nay.
- Hàm lượng protein trong các loại thực phẩm thực vật khác nhau thì khác nhau: Ở gạo là 7 – 8 %, ở ngô là 8 – 10 %, còn ở đậu nành thì lên tới 34 %
- Các loại protein nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa) có giá trị dinh dưỡng cao, còn các loại protein thực vật có giá trị dinh dưỡng thấp hơn.
- Biết phối hợp các nguồn protein thực phẩm hợp lý sẽ tạo nên giá trị dinh dưỡng cao của khẩu phần.
- Ví dụ gạo, ngô, mì nghèo lyzin còn đậu tương, lạc, vừng hàm lượng lyzin cao, khi phối hợp gạo hoặc mì hoặc ngô với đậu tương, vừng, lạc sẽ tạo nên protein khẩu phần có giá trị dinh dưỡng cao hơn các protein đơn lẻ.
- copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
- Link bài viết tại : Vai trò dinh dưỡng của protein