Sự hấp thu thuốc qua các đường ngoài tiêu hóa

0
1163
hấp thu thuốc

Sự hấp thu thuốc qua các đường ngoài tiêu hóa

hấp thu thuốc

Hấp thu thuốc qua các đường tiêm

Có nhiều đường tiêm khác nhau nhưng thông dụng nhất là tiêm dưới da, tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền

Khi tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt thuốc hấp thu nhanh hơn, hoàn toàn hơn so với đường uống và ít nguy cơ rủi ro hơn so với tiêm tĩnh mạch. Tốc độ hấp thu thuốc qua đường tiêm dưới da và tiêm bắp phụ thuộc vào độ hòa tan của thuốc, nồng độ dung dịch tiêm, vị trí tiêm. Tiêm dưới da thuốc hấp thu chậm hơn và đau hơn tiêm bắp vì ở dưới da có nhiều ngọn dây thần kinh cảm giác hơn và hệ thống mao mạch ít hơn ở bắp thịt. Mặt khác, ở bắp thịt khả năng thiết lập lại cân bằng về áp suất thẩm thấu nhanh hơn ở dưới da.

Người ta có thể làm tăng tốc độ và mức độ hấp thu thuốc khi tiêm dưới da hoặc bắp thịt. Trong thực tế những biện pháp làm giảm hấp thu để đạt được tác dụng tại chỗ hoặc làm chậm hấp thu để có được tác dụng kéo dài được vận dụng nhiều hơn. Thí dụ, dùng các chất cường giao cảm gây co mạch để hạn chế hấp thu, kéo dài tác dụng của các chất gây tê, thêm vào dung dịch thuốc các chất cao phân tử để tăng độ nhớt, hạn chế sự khuếch tán của thuốc.

Tiêm tĩnh mạch là đưa thẳng thuốc vào máu nên thuốc hấp thu hoàn toàn và thời gian tiềm tàng rất ngắn, đôi khi gần bằng 0. Dùng đường tiêm tĩnh mạch trong trường hợp cần có sự can thiệp nhanh của thuốc hoặc đối với những chất hoại tử khi tiêm bắp. Khi cần một lượng lớn dung dịch thuốc vào cơ thể người ta tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt.

Cần chú ý không tiêm tĩnh mạch các hỗn dịch, các dung dịch dầu, các chất gây tủa protein huyết tương và nói chung các chất không đồng tan với máu vì có thể gây tắc mạch. Cũng không tiêm tĩnh mạch các chất gây tan máu hoặc độc với tim. Tốc độ tiêm tĩnh mạch không được quá nhanh vì khi tiêm nhanh sẽ tạo ra một nồng độ thuốc cao đột ngột gây trụy tim, hạ huyết áp, thậm chí có thể tử vong

Hấp thu qua đường hô hấp

Phổi được cấu tạo từ các ống dẫn khí và các phế nang. Các phế nang và các ống dẫn khí có mạng mao mạch phong phú bao quanh. Đặc biệt bề mặt tiếp xúc các phế nang rất lớn nên thuận lợi cho việc trao đổi khí và hấp thu thuốc.

Phổi là nơi hấp thu thích hợp nhất đối với các chất khí rồi đến các chất lỏng bay hơi. Các chất rắn cũng được dùng qua đường hô hấp dưới dạng khí dung để điều trị viêm nhiễm đường hô hấp, cắt cơn hen. Tốc độ hấp thu và mức độ hấp thu phụ thuộc chủ yếu vào kích thước phân tử

Hấp thu qua da

Thông thường người ta dùng thuốc bôi ngoài da với mục đích tác dụng tại chỗ. Khả năng hấp thu qua da nguyên vẹn kém hơn nhiều so với niêm mạc. Lớp biểu bì bị sừng hóa chính là “hàng rào” hạn chế sự hấp thu thuốc của da. Lớp biểu bì này không có hệ thống mao mạch và chứa một hàm lượng nước rất thấp do đó hầu như thuốc không được hấp thu ở đây mà chỉ có một lượng không đáng kể đi qua da để tiếp tục được hấp thu. Những chất ưa lipid đồng thời lại có tính ưa nước có mức độ hấp thu nhất định, được hấp thu một phần qua da và ngược lại.

Khi bị tổn thương mất lớp hàng rào bảo vệ khả năng hấp thu của da tăng lên rất nhiều có thể gây độc nhất là khi bị tổn thương diện rộng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lớp tế bào sừng hóa chưa phát triển nên da có khả năng hấp thu tốt hơn do đó cần thận trọng khi dùng thuốc ngoài da cho trẻ.

Ngoài các đường dùng nêu trên thuốc còn được sử dụng theo nhiều đường khác như gây tê tủy sống, tiêm vào màng khớp các hormon vỏ thượng thận, nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi…

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Sự hấp thu thuốc qua các đường ngoài tiêu hóa