Đại cương về dạ dày
Dạ dày là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa nằm giữa thực quản và ruột non, có tuyên tiêu hóa và nội tiết, được chia làm bốn vùng giải phẫu. Tâm vị là chỗ hẹp của dạ dày trực tiếp với hai đầu dạ dày – thực quản. Phần trên của dạ dày phình cao hơn chỗ nối dạ dày – thực quản gọi là đáy vị. Phần đứng dạ dày kéo tới góc bờ cong nhỏ là thân vị. Phần dạ dày còn lại dưới góc bờ cong nhỏ là hang vị. Dạ dày được phân cách với tá tràng bởi cơ thắt môn vị.
Bề mặt niêm mạc dạ dày trông như một tấm thảm thô. Các nếp niêm mạc chạy theo chiều
dọc, nổi cao nhất ở phần trên của dạ dày và trải phẳng khi dạ dày căng ra. Trên bề mặt niêm
mạc còn có những nếp nhỏ hơn. Mô học, niêm mạc dạ dày gồm 3 lớp:
– Lớp bề mặt: toàn bộ bề mặt niêm mạc được phủ bởi tế bào biểu mô chế nhầy hình trụ, nhân nhỏ lệch về phía đáy, nguyên sinh chất có chứa các hạt nhầy sáng ở vùng trên nhân. Dưới kính hiển vi điện tử tế bào biểu mô bề mặt có viền vi nhung mao ngắn bao phủ mặt đỉnh, phía ngoài mặt đỉnh là lớp mỏng glycocalyx có sợi. Tế bào biểu mô phủ bề mặt sắp xếp một cách tinh vi và khéo léo với những hố lõm (crypte) nơi đổ vào của các tuyến dạ dày.
– Lớp đệm: là mô liên kết thưa có chứa các tuyến dạ dày, các sợi cơ trơn và mạch máu.
– Lớp cơ niêm: là loại cơ trơn ngăn cách niêm mạc với hạ niêm mạc và lớp cơ.
Vùng tâm vị gồm những tuyến ống đơn hoặc có ít nhánh. Tế bào tuyến tiết chất nhầy và dạng nhày (mucoid). Vùng thân vị là những tuyến hình ống thẳng đứng sát nhau gồm 3 loại tế bào: tế bào nhày, tế bào thành, tế bào chính.
* Tế bào thành hình đa diện, ái toan tiết acid HCl, ngoài ra nó còn sản xuất yếu tố nội Castle là một glucoprotein. Yếu tố này kết hợp chặt chẽ với vitamin B12 và làm thuận lợi cho việc hấp thụ vitamin này ở hồi tràng.
* Tế bào chính hình trụ ái kiềm, thường tập trung ở vùng đáy các tuyến, có nhiệm vụ tiết ra các men thủy phân dưới dạng tiền men (pepsinogen I và II). Vùng hang vị – môn vị có các tuyến ống chia nhánh cong queo tiết ra chất nhầy và dạng nhầy. Rải rác có các tế bào thần kinh – nội tiết (tế bào G) nằm dọc theo lớp biểu mô tuyến tiết ra gastrin.
Ở các tuyến đều có một phần đổ thông vào hõm gọi là cổ tuyến. Tế bào cổ tuyến kém biệt hoá, kiềm tính, là những tế bào gốc của cả tế bào biểu mô bề mặt và tế bào tuyến vị. Thường gặp nhân chia ở vùng này, vì cứ khoảng 6 ngày toàn bộ bề mặt niêm mạc dạ dày sẽ được thay thế hoàn toàn.Như vậy dịch tiết vào dạ dày có hai chất tấn công là acid HCl và pepsin có khả năng tiêu hủy ngay niêm mạc dạ dày. Ngược lại để bảo vệ niêm mạc khỏi bị tiêu hủy cũng có 2 yếu tố chính là lớp chất nhầy và hàng rào biểu mô. Chất nhầy quánh dính, pH 7,4 phủ bề mặt niêm mạc, trung hòa một phần acid và pepsin. Hàng rào biểu mô do các tế bào biểu mô tạo thành, nơi tiếp giáp giữa các tế bào hầu như khít kín không cho H + khuếch tán ngược trở vào.
Viêm dạ dày có thể là cấp tính với sự thâm nhiễm bạch cầu đa nhân trung chiếm ưu thế hoặc mạn tính với tế bào lympho hoặc tương bào chiếm ưu thế.
Copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
Link bài viết tại : Bệnh viêm dạ dày cấp tính