Contents
Kỹ thuật nội soi điều trị loét dạ dày tá tràng chảy máu
Chảy máu là một biến chứng thường gặp nhất của bệnh loét dạ dày tá tràng, tỉ lệ tử vong cao và thường hay tái phát. Nội soi không chỉ có giá trị tốt trong chẩn đoán, tiên lượng mà còn có giá trị điều trị cầm máu cấp cứu, làm giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ chỉ định phẫu thuật và nhất là làm giảm chảy máu tái phát.
Có nhiều kỹ thuật cầm máu qua nội soi như dùng tia laser , điện cực, chích thuốc cầm máu, dùng kẹp, dùng các chất keo cầm máu… Trong đó, một kỹ thuật đơn giản, dễ áp dụng, an toàn mà lại hiệu quả là chích thuốc cầm máu qua nội soi.
1. Chỉ định
Các phương pháp nội soi điều trị chảy máu tại ổ loét sẽ được áp dụng trong những trường hợp sau:
– Ổ loét đang chảy máu tiếp diễn (phun thành dòng hoặc rỉ máu) do tổn thương động mạch hoặc mao mạch ở đáy ổ loét.
– Bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát chảy máu do ổ loét lớn, nằm ở vị trí dễ tái phát (góc bờ cong nhỏ, mặt sau hành tá tràng), đáy ổ loét có mạch máu nhìn thấy rõ hoặc có các bệnh phối hợp khác.
2. Chống chỉ định
Đang bị choáng nặng.
Các chống chỉ định khác giống như của nội soi dạ dày.
3. Các nguyên tắc
3.1. Chuẩn bị bệnh nhân
Phải hồi sức tốt cho bệnh nhân để đảm bảo chức năng sống, tình trạng huyết động ổn định (mạch, huyết áp ổn định), không làm khi bệnh nhân đang choáng, trụy mạch.
Nếu bệnh nhân có suy hô hấp hoặc rối loạn tri giác đòi hỏi phải đặt nội khí quản trong quá trình làm nội soi.
Không dùng thuốc an thần hoặc gây tê họng nếu bệnh nhân có rối loạn huyết động học vì trong trường hợp này bệnh nhân dễ bị sặc và suy hô hấp, giảm nồng độ oxy trong máu.
3.2. Các nguyên tắc chính về kỹ thuật
Dùng máy nội soi có kênh hoạt động lớn hoặc có 2 kênh hoạt động.
Nếu có máu trong dạ dày: thì trình tự quan sát tổn thương bắt đầu từ thực quản rồi đến bờ cong nhỏ, hang vị, tá tràng và trong khi rút dần máy ra thì sẽ kiểm tra phần còn lại của dạ dày sau khi đã thay đổi tư thế của bệnh nhân (từ tư thế nằm nghiêng trái sang nằm ngửa nhằm mục đích làm di chuyển các cục máu đông). Lưu ý đến nguy cơ sặc khi thay đổi tư thế người bệnh.
Không cần cố gắng làm bong các cục máu đông còn lại sau khi rửa và tránh làm thủ thuật quá lâu.
4. Các phương pháp nội soi cầm máu
Có nhiều phương pháp cầm máu qua nội soi như phương pháp đông nhiệt bằng tia laser, phương pháp nhiệt điện, phương pháp tiêm cầm máu, sử dụng kẹp cầm máu, keo sinh học,… Tuy nhiên, trong điều kiện của bệnh viện tuyến huyện, chúng tôi chỉ xin giới thiệu về phương pháp tiêm cầm máu là một phương pháp đơn giản, dễ áp dụng và ít tốn kém về trang thiết bị.
– Ưu điểm: Kỹ thuật đơn giản, rẻ tiền, có thể áp dụng ngay tại giường bệnh.
– Các chất được sử dụng trong tiêm cầm máu:
+ Adrenalin 1/10.000 (gây co mạch tại chỗ), pha adrenalin với dung dịch muối ưu trương.
+ Cồn tuyệt đối 98%: có tác dụng gây xơ.
+ Polidocanol 1% (Aetoxisclero): có tác dụng gây xơ. Ngoài tác dụng hóa học và được động học của các chất này, tiêm cầm máu còn gây ra hiện tượng chèn ép cơ học vào mao mạch đang chảy máu.
– Dụng cụ và kỹ thuật:
+ Kim tiêm có đầu vát ngắn khoảng 4mm, để tránh nguy cơ thủng do tiêm quá sâu;
+ Một bơm tiêm 10 ml, hoặc bơm tiêm insulin để dùng trong trường hợp tiêm cồn tuyệt đối (vì chỉ được tiêm mỗi mũi 0,1 – 0,2ml);
+ Bắt đầu tiêm dưới niêm mạc ở rìa ổ loét (Hình 21). Tuy nhiên nếu mạch máu ở trung tâm 1 ổ loét lớn và sâu thì sẽ tiêm dung dịch xung quanh mạch máu cũng như ở miệng ổ loét.
– Biến chứng: Các biến chứng nói chung gặp ở 0,59%, nghĩa là gấp 3 – 6 lần nội soi chẩn đoán thông thường:
+ Thủng: Hay xảy ra khi dùng kim có đầu vát quá dài và tiêm khối lượng thuốc lớn. nguy cơ này rất ít khi xảy ra khi tiêm cầm máu bằng adrenalin. cần lựa chọn kim phù hợp.
+ Sặc vào đường hô hấp: Do dạ dày đầy máu, dịch và cục máu đông, ngoài ra độ nhạy của bệnh nhân cũng giảm đi.
+ Xuất huyết: Thường do thiếu kinh nghiệm, do cố gắng bộc lộ một ồ loét làm bong đi cục máu đông.
copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
Link bài viết tại : Kỹ thuật nội soi điều trị loét dạ dày tá tràng chảy máu