Contents
Dịch tễ học
Bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi tuỳ theo từng nước, khu vực và phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh tim bẩm sinh, thấp tim cũng như việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trên các đối tượng có nguy cơ.
Tác nhân gây bệnh:
Có rất nhiều tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn, nấm, Rickettsia… Thứ tự vi khuẩn hay gặp tuỳ thuộc đường vào của tác nhân gây bệnh( nấm hay gặp trên những bệnh nhân tiêm truyền tĩnh mạch kéo dài), cơ địa bệnh nhân( đã được thay van nhân tạo hoặc sau phẫu thuật thì thường do tụ cầu)…Nhiều trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn không xác định được tác nhân gây bệnh và tiên lượng của các trường hợp này thường rất nặng.
– Liên cầu khuẩn(streptococcus): là nguyên nhân thường gặp trên các bệnh nhân có sẵn bệnh tim(khoảng trên 50%); ít gặp ở nhóm sau phẫu thuật. S. viridans thuộc nhóm A không tan huyết hoặc tan huyết là tác nhân hay gặp nhất trong nhóm này. S. bovis: liên cầu khuẩn nhóm D, thường liên quan đến các nhiễm khuẩn đường tiết niệu. S.pneumonie: hay gặp trên các bệnh nhân tổn thương van hai lá, van động mạch chủ.
– Tụ cầu(Staphylococcus) chiếm khoảng 30-40% trong đó hay gặp hơn cả là tụ cầu vàng(S. aureus), hay gặp ở các bệnh nhân có bệnh tim từ trước, bệnh nhân đặt catheter, bệnh nhân đã thay van nhân tạo. Bệnh cảnh thường nặng, tiên lượng rất xấu. Tụ cầu trắng(S.epidermidis) thường gây bệnh sau phẫu thuật tim, thay van nhân tạo, đặt catheter kéo dài
– Vi khuẩn gram âm: thường gặp trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết vi khuẩn gram âm đường tiêu hóa trên bệnh nhân có bệnh tim từ trước. Các vi khuẩn có thể gặp như: Brucella, Escherichia coli, Serratia, Klebsiella Eterobacter, Pseudomonas, Salmonella. Nhóm vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp thuộc nhóm trực cầu khuẩn HACEK( Hemophilus, Actinobacillus, Cardoibacterium, Eikenella, Kingella), trong đó hemophilus là hay gặp nhất và tổn thương sùi lớn nên hay có biến chứng thần kinh hoặc tắc mạch ngoại biên. Mặt khác, trong môi trường cấy máu vi khuẩn mọc rất chậm, chỉ có thể dương tính sau 3 tuần. Neisseria gonorrhoeae ít gặp nhưng gây huỷ hoại van tim rất nặng. Các trực khuẩn gram âm khác như: Corynebacterium, Listeria monocytogenes… cũng có thể gặp.
– Nấm: có thể gặp hai nhóm nấm: Candida và Aspergillus. Bệnh hay gặp trong các trường hợp phẫu thuật thay van tim, truyền kháng sinh đường tĩnh mạch kéo dài. Trong nhóm cadida thì C. albicans hay gặp nhất và thường liên quan tới một số bệnh ngoài da. Bệnh có triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, phát hiện thường muộn, hay có biến chứng tắc mạch nhiều nơi. Tiên lượng bệnh thường xấu. Nhóm Aspergillus thường gặp trên các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và không có bệnh tim từ trước.
.Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh:
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thường xảy ra trên bệnh nhân đã có bệnh tim từ trước bao gồm cả bẩm sinh và mắc phải.
1. Các bệnh tim mắc phải:
– Bệnh van tim do thấp: đây chính là nguy cơ chủ yếu ở nước ta hiện nay. Bệnh van hai lá bao gồm; hở van, hẹp hở van, ít gặp khi hẹp van hai lá đơn thuần. Bệnh van động mạch chủ: hở van, hẹp van. Bệnh van hai lá và van động mạch chủ: hẹp van hai lá và hở chủ.
– Van tim nhân tạo: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn sau thay van nhân tạo chiếm tỷ lệ từ 2-4%. Hai loại van cơ học và sinh học đều có nguy cơ như nhau và có thể mắc sớm( trước 60 ngày sau mổ) hoặc muộn hơn.
2. Các bệnh tim bẩm sinh:
là nguy cơ chính của các nước đang phát triển, nơi mà bệnh thấp tim đã giảm nhiều.Thứ tự các viêm nội tâm mạc do vi khuẩn hay gặp trên bệnh tim bẩm sinh là: 1. Thông liên thất; 2. Còn ống động mạch;3. Tứ chứng Fallot, đặc biệt là sau phẫu thuật nối chủ-phổi;
Một số bệnh khác như: sa van ba lá, chuyển gốc động mạch…;6. Bệnh rất hiếm gặp trong thông liên nhĩ, hẹp van động mạch phổi.
3. Một số yếu tố thuận lợi khác:
Đặt catheter kéo dài, tiêm truyền đường tĩnh mạch kéo dài, các thủ thuật gây chảy máu trên bệnh nhân đã có bệnh về tim, các trường hợp nghiện ma tuý bằng đường tiêm tĩnh mạch, các bệnh suy giảm miễn dịch bao gồm cả HIV và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài ( trong điều trị các bệnh tự miễn dịch, chống thải loại mảnh ghép mô, cơ quan…)
Copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
Link bài viết tại : Nguyên nhân gây nội tâm mạc nhiễm khuẩn