Ảnh hưởng của thuốc trên phụ nữ có thai (người mẹ)
Khi có thai một số chức năng sinh lý của người mẹ bắt đầu thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến dược động học của thuốc.
Thời kỳ mang thai pH dịch dạ dày tăng do niêm mạc dạ dày giảm tiết HC1; nhu động dạ dày và ruột giảm nên nhiều thuốc chậm hấp thu, đôi khi hấp thu thất thường. Lưu lượng tim tăng, tăng thông khí phổi nên tăng hấp thu những thuốc sử dụng qua đường hô hấp. cần hiểu ý trong thời kỳ mang thai lưu lượng máu qua da tăng nên tăng khả năng hấp thu thuốc dùng ngoài da.
Trong thời gian mang thai lượng nước trong toàn bộ cơ thể người mẹ tăng, tăng lượng lipid nên tăng thể tích phân bố không những đối với những thuốc tan trong nước mà cả những thuốc tan trong lipid.
Quá trình chuyển hóa và thải trừ thuốc ở người mẹ trong thời kỳ mang thai không ổn định nhưng nói chung không ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị.
Ảnh hưởng của thuốc trên thai nhi
Dùng thuốc cho phụ nữ có thai thông thường với mục đích điều trị cho mẹ (trừ rất ít trường hợp qua mẹ điều trị cho thai nhi) nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng đến thai nhi ở mức đệ nhất định, đôi khi gây hậu quả rất nghiêm trọng nếu dùng thuốc không đúng.
Do đặc điểm cấu trúc của rau thai (xem phần 2.2.2. chương 1) một số thuốc có thể chuyển từ mẹ vào thai nhi ảnh hưởng đến thai nhi. Mức độ ảnh hưởng của thuốc đến sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tính nhạy cảm của các cơ quan ở các giai đoạn phát triển của thai nhi. Theo Gideon Koren và Martin S.Gohen thì trong 2 tuần đầu của thai kỳ, thuốc có thể làm chết phôi hoặc phôi vẫn phát triển bình thường (quy luật “tất cả hoặc không”). Giai đoạn nhiều cơ quan nhạy cảm với thuốc nhất là từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 9 của thai kỳ (xem bảng 2.3 và bảng 2.4). Trong giai đoạn này ảnh hưởng của thuốc trên thai nhi có thể dẫn đến những biến đổi lớn về hình thái (gây quái thai). Sau tuần thứ 9 thuốc vẫn có thể ảnh hưởng đến thai nhi gây khiếm khuyết về sinh lý hoặc bất thường về hình thái nhưng mức độ nhẹ hơn.
Cho đến nay ảnh hưởng của thuốc trên sự phát triển của thai nhi, đặc biệt gây biến đổi nặng về hình thái đã được các nhà nghiên cứu sản xuất thuốc cũng như các thầy thuốc rất quan tâm. Tuy nhiên ngoài một số thuốc đã biết gần như chắc chắn sẽ gây quái thai trên người như thalidomid, các hormon androgen, các chất chống chuyển hóa của acid folic v.v… một sô’ thuốc mới chỉ được đánh giá qua thực nghiệm trên súc vật, còn nhiều thuốc chưa được nghiên cứu đầy đủ về lĩnh vực trên.
Để hạn chế những tác hại của thuốc trên thai nhi người mẹ nên thận trọng khi dùng thuốc; chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và theo chỉ dẫn của thầy thuốc; đặc biệt cần lưu ý một số thuốc có nguy cơ cao đối với thai nhi
Trong thời kỳ cho con bú ảnh hưởng của thuốc trên người mẹ nói chung không có sự khác biệt lớn so với bình thường, những thuốc được bài tiết vào sữa có thể ảnh hưởng đến trẻ đang bú. Đa số các thuốc sau khi hấp thu một phần được chuyển qua sữa theo cơ chế khuếch tán thụ động hoặc vận chuyển tích cực. Mức độ thuốc chuyển qua sữa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu tố đóng vai trò quan trọng:
- Tính chất lý hóa của thuốc: những thuốc có độ phân ly cao, liên kết mạnh với protein huyết tương (warfarin v…), phân tử lượng lớn (heparin v.v…) rất ít bài tiết qua sữa.
- Sự chênh lệch giữa pH huyết tương và pH của sữa: thông thường pH huyết tương là 7,4; pH sữa là gần 6,8 nên những thuốc có bản chất là base yếu dễ dàng chuyển vào sữa. Ví dụ người mẹ uống erythromycin base sau khi hấp thu nồng độ thuốc trong sữa có thể cao hơn trong máu từ 6 – 7 lần.
- Trạng thái bệnh lý của người mẹ: người mẹ bị các bệnh về gan, thận sẽ giảm chuyển hóa thuốc, kéo dài thời gian bán thải, tạo điều kiện cho thuốc chuyển qua sữa nhiều hơn. Ngoài ra mức độ thuốc bài tiết qua sữa còn phụ thuộc vào liều lượng, thời gian uống thuốc của người mẹ.
Mặc dù phần lớn các thuốc được chuyển vào sữa với nồng độ thấp không đủ gây độc hại cho con nhưng có một số thuốc có thể ảnh hưởng đến con ngay cả khi người mẹ dùng ở liều điều trị. Ví dụ các thuốc ngủ barbiturat khi người mẹ dùng với liều gây ngủ có thể gây ngủ lịm hoặc giảm phản xạ mút ở con. Isoniazid đạt nồng độ trong sữa tương đương vối nồng độ trong máu mẹ; ở nồng độ này đủ gây thiếu hụt pyridoxin cho đứa trẻ nếu người mẹ không uống kèm pyridoxin. Nồng độ tetracyclin trong sữa chỉ bằng 70% trong máu nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ. Propylthiouracil, I131 có trong sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến giáp. Các thuốc chống ung thư, các thuốc điều trị các bệnh về collagen ở người mẹ cũng dễ gây những tác hại cho con.
Tóm lại, phần lớn các thuốc khi người mẹ dùng đều được bài tiết qua sữa nhưng với lượng nhỏ, nói chung ít gây độc hại cho con trừ một số thuốc và một số ngoại lệ. Để đảm bảo an toàn cho con người mẹ nên lựa chọn thuốc, đường dùng thích hợp ít bài tiết qua sữa, ít ảnh hưởng đến con nhất. Thời gian uống thuốc thích hợp nhất để hạn chế thuốc từ sữa mẹ vào con là 30 – 60 phút sau khi cho con bú hoặc 3- 4 giờ trước khi cho con bú lần sau.
copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
link tại : ảnh hưởng của thuốc trên phụ nữ có thai