Contents
1. Các loại ống thông và ống dẫn lưu phẫu thuật:
1.1. Các ống thông đường tiêu hóa:
+ Các ống thông dạ dày đặt qua mũi hoặc mồm: thường dùng để giảm áp dạ dày và ruột non (khi bị tắc ruột), đưa thuốc hoặc chất dinh dưỡng vào đường tiêu hóa khi bệnh nhân không tự nuốt được (bị hôn mê, tổn thương vùng hầu họng…), để rửa dạ dày (chảy máu đường tiêu hóa trên, cấp cứu ngộ độc thuốc đường uống…). Các ống thông này có thể có một nòng hay hai nòng. Hầu hết các ống này đều có dải cản quang nằm dọc thân ống để dễ dàng xác định khi chụp X quang.
+ Các ống thông hỗng tràng qua mũi: thường dùng để đưa thuốc hoặc chất nuôi dưỡng vào đường tiêu hóa, để giảm áp ruột non … Có loại ống dùng để nuôi dưỡng (ống Dobhoff) hoặc để giảm áp ruột non (ống Cantor, Gowan, Miller- Abbott, Baker-Nelson…).
+ Các ống thông đường mật:
– Các ống thông đường mật qua mũi: chủ yếu để hút giảm áp đường mật trong các trường hợp tăng áp lực đường mật. Thường dùng loại ống Silastic mềm có một nòng.
– Các ống thông đường mật kiểu chữ T: thường dùng để dẫn lưu đường mật sau mổ ống mật chủ, ghép gan có nối đường mật chính… Các ống thông chữ T thường được đặt vào ống mật và đưa ra ngoài qua thành bụng trước, điển hình là ống Kehr.
+ Các ống thông trực tràng: thường dùng cho bệnh nhân nằm liệt giường bị chảy phân thường xuyên hoặc có vết thương vùng hậu môn sinh dục để dự phòng tình trạng ẩm loét da hoặc ô nhiễm vết thương. Có nhiều loại thông trực tràng có bóng hoặc không có bóng ở đầu.
+ Các ống thông trong mở thông đường tiêu hóa:
– Các ống thông trong mở thông dạ dày qua thành bụng trước: dùng để dẫn lưu dạ dày hoặc đưa thuốc và chất dinh dưỡng vào đường tiêu hóa. Chúng được thiết kế riêng với đầu có bóng hoặc hình nấm, thường có một nòng. Cũng có loại đặc biệt có hai nòng dùng trong mở thông dạ dày-hỗng tràng, một nòng thông vào dạ dày và một nòng thông vào hỗng tràng.
– Các ống thông trong mở thông hỗng tràng qua thành bụng trước: chủ yếu dùng để đưa thuốc và chất dinh dưỡng vào đường tiêu hoá. Các ống thông loại này thường là một nòng, có hoặc không có bóng ở đầu.
– Các ống thông mở thông manh tràng: chủ yếu dùng trong trường hợp viêm ruột thừa thủng mà việc đóng mỏm cụt ruột thừa khó hoặc không thực hiện được; thường dùng loại ống một nòng có bóng ở đầu hoặc catheter Winsbury- White.
1.2. Các catheter tiết niệu:
+ Catheter dẫn lưu bàng quang trên xương mu đưa qua thành bụng trước: thường là một nòng, có bóng ở đầu hoặc đầu có hình nấm.
+ Catheter có bóng ở đầu (catheter Foley) được đặt vào bàng quang qua niệu đạo.
+ Các catheter dẫn lưu niệu quản và ống dẫn lưu thận: có nhiều loại khác
nhau.
1.3. Các ống dẫn lưu lồng ngực:
Các ống dẫn lưu lồng ngực được dùng để giải thoát các chất dịch từ khoang màng phổi hoặc trung thất. Chúng thường có đường kính lớn (20-36 Fr), đầu có nhiều lỗ, có vạch cản quang chạy suốt chiều dài của ống, làm bằng polyvinylchloride hoặc Silastic để đảm bảo không quá mềm hoặc quá cứng.
Coppy ghi nguồn : daihocduochanoi.com