Chế độ dinh dưỡng bệnh nhân sau mổ

0
894
mổ

 

Dinh dưỡng bệnh nhân sau mổ

1.Giai đoạn đầu (1 – 2 ngày sau mổ)

+ Quan điểm trước kia chưa cho bệnh nhân ăn bằng đường tiêu hoá ở giai đoạn này, chờ bệnh nhân trung tiện được mới bắt đầu cho ăn, chủ yếu bù nước và điện giải, cung cấp glucid đảm bảo đủ lượng calo cần thiết cho nuôi dưỡng cơ thể, làm giảm giáng hoá protein.

  • Có thể truyền tĩnh mạch các loại dịch cung cấp đường và điện giải.
  • Cho uống rất ít, nếu bệnh nhân bị trướng bụng nặng thì không nên cho uống.
  • Những bệnh nhân mổ ngoài hệ tiêu hoá thì cho uống một ít một nước đường, nước luộc rau, nước quả (50ml cách nhau 1 giờ). Có thể truyền plasma, máu.

+ Ngày nay, người ta thấy rằng cho ăn muộn không có lợi cho bệnh nhân. Nửa đời sống của tế bào ruột là 24 giờ, nếu không cho ăn đường ruột sớm thì các tế bào này sẽ có thể bị hoại tử và hệ vi khuẩn đường ruột sẽ thẩm lậu qua ruột vào máu.

  • Nuôi dưỡng đường ruột sớm còn đưa lại nhiều lợi ích khác cho bệnh nhân. Vì vậy, các nhà khoa học đã tiến hành nuôi dưỡng sớm bằng đường tiêu hoá ngay từ ngày đầu tiên, thậm chí giờ thứ 8 sau phẫu thuật và đã mang lại kết quả tốt.

2.Giai đoạn tiếp theo (ngày thứ 3 – 5)

– Cho ăn tăng dần và giảm dần truyền dịch.

– Khẩu phần tăng dần năng lượng và protein. Bắt đầu từ 500 Kcal và 30 gam protein, sau đó cứ 1 – 2 ngày tăng thêm 250 – 500 Kcal cho đến khi đạt 2000 Kcal/ngày.

– Cho ăn sữa, dùng các loại sữa bò hoặc sữa đậu nành. Cho ăn làm nhiều bữa (4 – 6 bữa). Vì bệnh nhân còn đang chán ăn, do vậy cần động viên bệnh nhân ăn.

Ăn sữa

– Dùng các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng dễ tiêu hoá hấp thu như: sữa, trứng, thịt mềm, cá nạc…

– Dùng các loại thức ăn có nhiều vitamin B, C, PP như nước cam, chanh…

– Ăn thức ăn mềm, hạn chế thức ăn có xơ.

3.Giai đoạn hồi phục

– Giai đoạn vết mổ đã liền, bệnh nhân đã đỡ. Vì vậy, chế độ ăn cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trọng và vết thương mau lành.

  • Đây là chế độ ăn nhiều protein và calo. Protein có thể tới 120 – 150g/ngày và năng lượng có thể tới 2500 Kcal – 3000 Kcal/ngày.
  • Khẩu phần này phải được chia thành nhiều bữa (5 – 6 bữa) trong ngày.

– Dùng nhiều trứng sữa, cá, thịt, đậu đỗ để tăng cường protein, ăn các loại hoa quả để tăng vitamin C và vitamin nhóm B.

 Bệnh nhân sau mổ chậm trung tiện, bị biến chứng cần lưu ý

– Trường hợp chậm trung tiện: xem lại điện giải đồ nếu thiếu kali phải bổ sung kịp thời sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, không được dùng quá mức vì nguy hiểm cho tim.

– Trường hợp phải mổ lại

  • Trường hợp tắc ruột, rò ruột… cần nuôi dưỡng đường tĩnh mạch để nâng cao thể trạng bệnh nhân trước khi mổ lại.
  • Dùng glucoza 10 – 15% hoặc 30% để cung cấp năng lượng, song cần chú ý chống viêm tắc tĩnh mạch.
  • Cung cấp đủ lượng protein tối thiểu để tránh cho cơ thể phải sử dụng protein nội tạng, nên cung cấp bằng cách truyền hỗn hợp acid amin.
  • Cung cấp đủ nước và điện giải theo điện giải đồ.
  • Cần hết sức lưu ý rằng, việc nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch lúc đầu là rất cần thiết. Song phải sớm nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường tiêu hoá. Điều này vừa có tác dụng nuôi dưỡng bệnh nhân vừa có tác dụng kích hoạt cho hệ thống tiêu hoá sớm trở lại bình thường.
  • Dùng chế độ ăn qua ống thông, sau đó cho bệnh nhân ăn từ từ, ăn nhiều bữa trong ngày, cho ăn tăng dần lượng protein và calo nhưng không cho ăn quá nhiều một lúc để tránh tiêu chảy.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

link bài viết tại : Chế độ dinh dưỡng bệnh nhân sau mổ