Cơ chế bệnh sinh và ý nghĩa sinh học của phản ứng viêm

0
1989
Các phản ứng trong viêm

Cơ chế bệnh sinh của phản ứng viêm

Các phản ứng trong viêm

– Những biểu hiện chủ yếu và điển hình của viêm, đặc biệt là viêm cấp là tổn thương tổ chức, rối loạn chuyển hoá, rối loạn vi tuần hoàn gây hiện tượng bạch cầu dạt vào bờ huyết quản, tăng tính thấm các tiểu tĩnh mạch và mao mạch dẫn tới thoát dịch, phù viêm và thoát bạch cầu. Bất kỳ một kích thích gây viêm nào cũng làm xuất hiện tất cả chuỗi phản ứng đó.

– Có một mối liên quan chặt chẽ giữa các biểu hiện cơ bản của viêm, theo nguyên tắc tổn thương tổ chức, biến đổi dòng máu chảy dẫn tới tăng tính thấm huyết quản và sau đó tới thoát bạch cầu. Phù nề tổ chức và tăng tính thấm huyết quản là biểu hiện sớm nhất, điển hình nhất của viêm cấp. Những biến đổi lý hoá phát sinh muộn hơn sự xuất hiện phù, là hậu quả nhanh nhất nhưng không phải là nguyên nhân của phù.

– Những năm gần đây người ta chú ý nhiều vai trò của các sản phẩm cá hoạt tính sinh vật được sản sinh trong tổ chức viêm, được gọi là các mediator tính thấm đặc biệt vai trò của các polypeptit hệ kinin như bradykinin, kallidin.
Trong viêm cấp, tổn thương của viêm biểu hiện rõ và sớm nhất là rối loạn tính thấm huyết quản và phù viêm, có thể chia làm hai thời kỳ :
+ Thời kỳ sớm, ngắn hạn phát sinh ngay từ những phút đầu sau tác dụng của các chất gây viêm do vai trò của histamin nội sinh dẫn tới biến đổi các huyết quản trong tổ chức viêm. Serotonin tăng cường và kéo dài tác dụng của histamin. Cũng có thể có liên quan cả với sự tạo thành kinin ngay trong giai đoạn này.
+ Thời kỳ muộn phát sinh sau vài giờ và muộn hơn tuỳ theo tính chất của kích thích, chủ yếu do vai trò của các polypeptit hệ kinin. Ngoài ra còn tác dụng của tăng tổng hợp histamin nội sinh và bất hoạt catecholamin do quá trình viêm gây ra.

  • Các giai đoạn của phản ứng viêm

Có 3 giai đoạn:

  1. Rối loạn tuần hoàn: rối loạn vận mạch, tạo dịch rỉ viêm, bạch cầu xuyên mạch và hiện tượng thực bào.
  2. Rối loạn chuyển hóa (glucid, protid, lipid) và tổn thương tổ chức
  3. Tăng sinh tế bào để hàn gắn, sửa chữa tổ chức viêm.

Trên thực tế, chúng có sự đan xen và liên quan chặt chẽ với nhau.

  • Ảnh hưởng của phản ứng viêm:

Phản ứng viêm gây nhiều ảnh hưởng đến toàn cơ thể và nơi xảy ra ổ viêm.

– Ảnh hưởng đến toàn cơ thể:

+ Viêm nặng và cấp khiến bệnh nhân đau đớn, giảm ngon miệng, mất ngủ -> ảnh hưởng xấu đến toàn trạng.

+Viêm làm giảm chức năng cơ quan bị viêm, từ đó ảnh hưởng toàn thân

+Sản phẩm của ổ viêm giải phóng vào máu gây biến đổi toàn thân: tăng bạch cầu, sốt, tăng lắng máu,… một số đầu độc cơ thể: các acid gây nhiễm toan, TNF,…

+Viêm gây hoại tử tổ chức có thể tạo điều kiện cho yếu tố gây bệnh khác xâm nhập. Ví dụ: trong bệnh lao phổi, sự hủy hoại tổ chức có thể tạo thành hang lao, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển (Aspergillose).

+Dịch viêm có thể gây chèn ép như tràn dịch màng tim màng phổi

– Ảnh hưởng tại chỗ:

+Sưng nóng

+Tạo giả mạc gây tắc như bạch hầu.

+Gây dính như viêm ruột thừa.

+Gây tắc mạch máu như viêm nội tâm mạc.

+Gây hang hốc như lao phổi.

Ý nghĩa sinh vật của phản ứng viêm

Phân tích những biểu hiện chủ yếu trong viêm ta thấy có 2 loại hiện tượng:
– Hiện tượng phá hoại do các yếu tố gây viêm xâm nhập cơ thể gây những tổn thương tế bào tổ chức dẫn đến những biến đổi chức phận nhiều hay ít ở các cơ quan trong toàn bộ cơ thể.
– Hiện tượng thích ứng phòng ngự đồng thời xuất hiện dưới nhiều biểu hiện: tăng tiết dịch rỉ, phù viêm có khả năng liên kết, cố định các độc tố vi khuẩn trong ổ viêm không cho hấp thu và lan rộng trong cơ thể. Chức phận thực bào và tăng sinh các tổ chức liên kết nhằm tiêu diệt nguyên nhân gây viêm, khôi phục lại các chức năng sinh lý, hàn gắn tổn thương tổ chức.

Trong tiến hóa chủng loài, những sinh vật đơn bào lấy hiện tượng thực bào hay ẩm bào làm chức năng tiêu hóa và tiêu diệt yếu tố có hại. Trong tiến hóa có sự biệt hóa tế bào, bên cạnh hệ thống các tế bào thực bào, có hệ thống các tế bào có thẩm quyền miễn dịch để chống lại và tiêu diệt yếu tố có hại hữu hiệu hơn, ở các động vật càng tiến hóa thì hệ thống bảo vệ càng phức tạp. Phản ứng viêm nói chung là phương tiện để bảo vệ cơ thể khi yếu tố có hại xuất hiện, tuy nhiên khi phản ứng viêm xảy ra quá mức cũng gây nhiều biến loạn cho cơ thể, do đó người thầy thuốc phải tăng cường sức đề kháng, tiêu diệt yếu tố gây viêm, đồng thời phải theo dõi để giải quyết kịp thời những biến chứng có hại có thể xảy đến trong quá trình viêm.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Cơ chế bệnh sinh và ý nghĩa của phản ứng viêm