Contents
Diễn biến của chấn thương niệu đạo trước.
1. Bí đái.
Sau 2-4 giờ bệnh nhân cảm giác căng tức vùng dưới rốn và không đái được. Bí đái có thể do đau gây phản xạ không dám tiểu tiện, hoặc bí đái lúc đầu là phản xạ tự vệ về sau các cơ thắt bàng quang niệu đạo co lại gây bí đái thực sự, khi đó là tổn thương niệu đạo thực sự.
2. Viêm tấy nước tiểu tầng sinh môn
Do bí đái tăng dần trong những ngày đầu, nước tiểu rỉ ra qua niệu đạo đứt và máu tụ ở tầng sinh môn gây viêm tấy nước tiểu làm bìu và tầng sinh môn căng mọng, toàn thân suy sp nhanh, nhiễm trùng, nhiễm độc, đe doạ tính mạng.
3. áp xe tầng sinh môn
Ổ viêm tầng sinh môn được điều trị kháng sinh và khu trú lại, có thể phá vỡ ra ngoài tầng sinh môn gây rò nước tiểu.
4. Hẹp niệu đạo là hậu quả thường gặp sau đứt niệu đạo.
Những trường hợp đứt niệu đạo hoàn toàn hoặc không hoàn toàn điều trị ban đầu chưa giải quyết phục hồi niệu đạo ngay thì sau một thời gian ngắn tổn thương niệu đạo sẽ tiến triển viêm xơ gây hẹp niệu đạo hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.
Điều trị
1. Đánh giá đúng tổn thương dựa hoàn toàn vào các triệu chứng lâm sàng để đưa ra hướng xử trí đúng:
– Bệnh nhân đái được hay không; bí đái, bàng quang căng.
– Chảy máu niệu đạo nhiều, không tự cầm.
– Khối máu tụ tầng sinh môn hình cánh bướm to, lan nhanh.
– Bệnh nhân đến muộn có viêm tấy nước tiểu vùng tầng sinh môn.
2. Nguyên tắc xử trí:- Bí đái, cầu bàng quang căng ,mở thông bàng quang.
– Máu tụ lớn tầng sinh môn ,mổ lấy máu tụ và cầm máu niệu đạo.
– Viêm tấy nước tiểu tầng sinh môn , rạch mở rộng tầng sinh môn.
3. Điều trị cụ thể:
– Bệnh nhân đái được, nước tiểu trong hoặc đỏ đầu bãi.
Dập niệu đạo nhẹ, không can thiệp tại chỗ chỉ theo dõi, điều trị thuốc giảm đau, kháng sinh. Sau 1 tuần nong niệu đạo và chụp niệu đạo kiểm tra. Theo dõi về sau đề phòng hẹp niệu đạo.
– Bệnh nhân không đái được.
+ Có cầu bàng quang và chảy máu niệu đạo ít, tụ máu TSM ít (dập niệu đạo, hai
đầu không đứt rời). Đặt sonde bàng quang vô trùng, nhẹ nhàng và có thể lưu sonde 1-3 ngày. Giảm đau – kháng sinh và theo dõi.
Sau khi rút Sonde, chụp niệu đạo kiểm tra sau 7 ngày, hoặc nong niệu đạo thử và theo dõi hẹp niệu đạo về sau.
+ Có cầu bàng quang và chảy máu nhiều, liên tục.
Đây là trường hợp đứt niệu đạo hoàn toàn và 2 đầu đứt rời xa nhau.
Mổ dẫn lưu bàng quang đơn thuần.
– Trường hợp có máu tụ vùng tầng sinh môn lớn.
Mổ dẫn lưu bàng quang.
Mở tầng sinh môn lấy máu tụ, cầm máu 2 đầu niệu đạo và cắt nối phục hồi niệuđạo ngay.
– Trường hợp đến muộn có viêm tấy nước tiểu TSM.
Mổ dẫn lưu bàng quang.
Mở rộng tầng sinh môn, rạch theo đường giữa lấy máu tụ – nước tiểu nhiễm trùng và dẫn lưu TSM.
4. Phẫu thuật khâu nối phục hồi niệu đạo ngay thì đầu.
– Một số tác giả thực hiện thành công Young (1926) – Sabadini (1948).
– Trên thực tế, kết quả không phải bao giờ cũng tốt vì nối niệu đạo ngay thì đầu có một số nhược điểm:
+ Khó phân định giữa tổ chức niệu đạo dập nát và tổ chức niệu đạo lành, nhất là đoạn niệu đạo dập thấm máu và nước tiểu dễ nhiễm khuẩn
+ Điều kiện khâu nối thì đầu không phải ở đâu, lúc nào cũng thực hiện được.
– Đa số các tác giả chủ trương mổ 2 thì.
+ Thì 1: Cấp cứu – dẫn lưu bàng quang kết hợp lấy máu tụ tầng sinh môn và cầm
máu niệu đạo.
+ Thì 2: Mổ sớm cắt đoạn niệu đạo xơ hẹp và khâu nối tận – tận.
Kết quả chắc chắn hơn. Thời gian có thể từ sau 1-4 tuần.
– Khi có di chứng hẹp niệu đạo trước thì tuỳ chiều dài và vị trí đoạn hẹp mà có
phương pháp điều trị như: nong niệu đạo, cắt trong niệu đạo nội soi hoặc phẫu thuật tạo hình niệu đạo trước.