Chấn thương niệu đạo là một cấp cứu thường gặp trong tiết niệu và phải được xử
trí kịp thời để tránh các tai biến nguy hiểm trước mắt: bí đái, viêm tấy nước tiểu vùng
tầng sinh môn và tránh các di chứng phức tạp về sau: viêm niệu đạo, hẹp niệu đạo.Đứt niệu đạo sau là một trong những tai biến do vỡ xương chậu gây nên ở nam giới. Biểu hiện lâm sàng thường bị lu mờ trong bệnh cảnh chung của vỡ xương chậu và các tổn thường phối hợp.Thái độ xử trí tuỳ thuộc vào tình trạng và mức độ chấn thương.
1. Thương tổn giải phẫu bệnh lý
1.1. Vỡ xương chậu: 10% – 20% vỡ xương chậu gây đứt niệu đạo sau, chủ yếu là các
thể vỡ cung trước hay thể toác khớp mu.
1.2. Đứt niệu đạo sau
– Đứt niệu đạo màng trong 90% các trường hợp khi vỡ cung trước xương chậu
hoặc toác khớp mu gây di lệch cân đáy chậu giữa. Niệu đạo màng là một ống mỏng đi
qua cân này nên cũng bị co kéo rách đứt không hoàn toàn (34%) hay hoàn toàn (65%),
có khi chỉ bị kéo dài ra.
– Đứt niệu đạo tuyến tiền liệt (8 – 10%) thường gặp trong những chấn thương nặng
và ở người trẻ do các mảnh xương gãy chọc vào.
– Đứt cổ bàng quang : Hiếm gặp hơn trên lâm sàng – thường ở nữ.
1.3. Các thương tổn phối hợp
– Vỡ bàng quang: Có thể vỡ bàng quang trong phúc mạc, ngoài phúc mạc hoặc
phối hợp cả hai.
– Vỡ xương chậu cũng có thể nằm trong bệnh cảnh đa chấn thương với các thương
tổn tạng ở bụng, ngực, sọ não, gãy xương phối hợp.
– Vỡ xương chậu gây tổn thương đám rối tĩnh mạch sau xương mu, đám rối tĩnh
mạch Santorini, bó mạch chậu gây chảy máu và tụ máu sau phúc mạc lan rộng.
– Các tổn thương phối hợp là nguyên nhân chính làm nặng tình trạng bệnh; còn
tổn thương quanh niệu đạo làm cho điều trị phục hồi chức năng niệu đạo trước mắt và
sau này khó khăn hơn (xơ hoá và nhiễm trùng).
2. Lâm sàng
2.1. Bệnh cảnh chung của vỡ xương chậu
– Sốc vừa và nặng: Bệnh nhân như lịm đi, nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp
hạ trong 75% các trường hợp.
Nguyên nhân:
+ Đau do gãy xương.
+ Mất máu do máu tụ bàng quang, sau phúc mạc vi tổn thương đám rối tĩnh mạch
tiểu khung.
+ Tổn thương phối hợp trong đa chấn thương.
– Tụ máu lớn trước bàng quang, sau phúc mạc làm bụng chướng căng và đau âm ỉ
gây nhầm lẫn hay che dấu những tổn thương trong phúc mạc.
2.2. Phát hiện đứt niệu đạo sau (niệu đạo màng)
Tình trạng chung của vỡ xương chậu nhiều khi làm lu mờ triệu chứng của đứt niệu
đạo. Vì vậy khi phát hiện vỡ xương chậu phải nghĩ đến tổn thương niệu đạo sau.
– Chảy máu niệu đạo thường ít, rỉ ra ở miệng sáo hoặc có khi không có chảy máu
miệng sáo.
– Bí đái : Sau khi hồi sức chống sốc, bệnh nhân tỉnh lại muốn đi tiểu nhưng không
đi được. Khám có cầu bàng quang. Phân biệt đôi khi khó với các trường hợp tụ máu lớn
trước bàng quang.
– Thăm khám :
+ Máu tụ quanh hậu môn : Thể hiện sự rách cân đáy chậu giữa làm máu tụ quanh
trước hậu môn, dấu hiệu này thường gặp và xuất hiện muộn.
+ Thăm trực tràng : có vùng đau tương ứng với niệu đạo sau ở thành trước trực
tràng, thấy khối máu tụ tiểu khung.
Thấy niệu đạo tuyến tiền liệt di động và được đẩy lên cao thể hiện sự vỡ phức tạp
và hoàn toàn của niệu đạo màng.