Viêm dạ dày mạn là một chẩn đoán mô học không phải là một thực thể lâm sàng có thể nhận biết. Trong nhiều trường hợp viêm mạn có liên quan tới viêm cấp, viêm tái phát, nhưng trong những trường hợp khác không thấy có sự liên quan này.
Viêm dạ dày mạn là một bệnh tiến triển với biến đổi biểu mô và sự mất dần các tuyến của niêm mạc ở thân vị, hang vị. Sự biến đổi biểu mô có thể dẫn tới dị sản, loạn sản. Định nghĩa này không loại trừ bệnh tiến triển qua những đợt tái phát nối tiếp nhau có những giai đoạn kém hoạt động và những giai đoạn hoạt động mạnh mà trong đó lớp đệm rất giàu bạch cầu đa nhân. Trong trường hợp như vậy người ta không dùng danh từ viêm dạ dày bán cấp.
Bệnh nguyên bệnh sinh
Về nguyên nhân của viêm dạ dày mạn được đề cập đến các thuyết chính sau:
– Do nguyên nhân miễn dịch, kết hợp với thiếu máu ác tính
– Nhiễm khuẩn mạn tính đặc biệt là Helicobacter Pylori
– Nhiễm độc như đối với người nghiện rượu, thuốc lá
– Sau phẫu thuật nối dạ dày ruột với sự trào ngược của dich mật từ tả tràng lên
– Các trạng thái khác: giảm trương lực dạ dày, thiểu năng tuần hoàn, giảm oxy, urê cao,rối loạn nội tiết tố…
Nguyên nhân miễn dịch
Yếu tố tự miễn giữ vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của viêm dạ dày mạn. Những nghiên cứu cho thấy trong máu của người bệnh có kháng thể chống tế bào thành và các yếu tố nội. Các kháng thể chống tế bào thành có một loại kháng lại men sản xuất acid HCl, H+, K+ – ATPase. Việc phá huỷ tế bào thành và teo tuyến làm mất khả năng sản xuất HCl và yếu tố nội sẽ dẫn tới thiếu máu ác tính. Dạng viêm dạ dày ít gặp này có thể thấy phối hợp với rối loạn tự miễn dịch khác như viêm tuyến giáp tự miễn Hachimoto, bệnh Addison.
Vai trò của Helicobacter Pylori Năm 1983 Marshal B.J và Warren I.R tìm thấy vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. Pylori) ở niêm mạc vùng hang vị. Từ đó đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu tìm hiểu mối liên quan giữa nguyên nhân sinh bệnh của H. Pylori với một số bệnh dạ dày tá tràng, trong đó đặc biệt là viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Ngày nay nhười ta nhận thấy rằng hầu hết các trường hợp viêm dạ dày mạn không có liên quan tới tự miễn dịch mà lại liên quan tới yếu tố nhiễm khuẩn mạn tính, trong đó H. Pylori đóng vai trò chủ yếu. H. Pylori là vi khuẩn không nha bào, hình chữ S, hình que, gram (-), kích thước khoảng 3,5 x 0,5m. Dưới kính hiển vi điện tử nó có 3 – 5 roi ở đầu. Bằng phương pháp nhuộm Giemsa, Warthin – Starry, phát hiện thấy vi khuẩn nằm trong lớp chất nhầy, trên màng đỉnh của tế bào biểu mô. Sự phân bố của vi khuẩn có thể tản mạn và không đồng đều, nơi có nhiều nơi không có hoặc có ít. H. Pylori dương tính tới 65% ở thể viêm mạn tính thầm lặng và tới 95% trong thể viêm mạn tính hoạt động. Vùng hang vị H. Pylori có mặt với tỷ lệ cao hơn vùng thân vị. Tỷ lệ nhiễm H. Pylori tăng theo tuổi và đạt tới 50% ở người trên 50 tuổi.
Bằng thực nghiệm cho những người tình nguyện khoẻ mạnh uống một lượng lớn H. Pylori đã làm xuất hiện viêm dạ dày với các triệu chứng cấp tính. Điều này chứng tỏ H. Pylori là một nguyên nhân gây bệnh khởi đầu. Có giả thuyết cho rằng việc nhiễm H. Pylori ở niêm mạc dạ dày đã bị tổn thương do những hậu quả khác sẽ dẫn tới tình trạng làm chậm quá trình khỏi bệnh và viêm niêm mạc dạ dày mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy H. Pylori có vai trò tiềm tàng trong việc gây biến đổi môi trường chuyển hoá và sản xuất ra các độc tố gây nên phản ứng viêm của vật chủ. Người ta cũng nhận thấy ở những bệnh nhân viêm dạ dày mạn H. Pylori (+) được điều trị bằng kháng sinh bệnh thường tiến triển tốt và khi bệnh tái phát đồng thời thấy sự xuất hiện của H. Pylori. Phần lớn các bệnh nhân có nhiễm H. Pylori không có triều chứng, nhưng có nguy cơ cao trong việc phát triển của bệnh loét dạ dày – tá tràng và có thể ung thư dạ dày.
Copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
Link bài viết tại : Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày mãn tính