Viêm dạ dày mãn tính là một chẩn đoán mô học không phải là một thực thể lấm sàng có thể nhận biết. Bài viết này sẽ trình bày về đại thể và vi thể của bệnh.
Đại thể
Nhìn chung bệnh thường không có mối tương quan giữa hình ảnh nội soi (đại thể) với giai đoạn mô bệnh học. Hình ảnh nội soi niêm mạc có vẻ phì đại hoặc biểu hiện bằng những nếp nhăn lớn nhưng hình ảnh mô học lại là viêm dạ dày teo. Ngược lại hình ảnh nội soi niêm mạc có vẻ teo với sự mất nếp nhăn, mô học lại bình thường. Tương tự không có mối tương quan nào giữa mức độ teo với chiều cao của niêm mạc về mặt mô học. Tuy nhiên để có sự thống nhất trong chẩn đoán, năm 1990 Hội nghị Quốc tế về tiêu hoá ở Sydney Australia đã đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá các tổn thương như : phù nề, xung huyết, sức bền của niêm mạc, sự tiết dịch, trợt, teo, phì đại, xuất huyết và trên cơ sở tổn thương nổi trội đã phân viêm dạ dạy mạn tính thành 7 týp chính:
– Viêm phù nề, xung huyết : niêm mạc dạ dày mất tính nhẵn bóng, hơi lần sần, có những
mảng xung huyết, dễ chảy máu khi chạm đèn soi.
– Viêm trợt phẳng : niêm mạc dạy dày có nhiều điểm trợt nông trên có giả mạc bám hoặc
những vết trợt nông trên niêm mạc.
– Viêm trợt lồi: có những mắt nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc, ở đỉnh hơi lõm xuống trông
giống như nốt đậu mùa nên trước đây được gọi là viêm dạ dày dạng đậu mùa.
– Viêm chảy máu : có những chấm xuất huyết hoặc đám xuất huyết trên bề mặt niêm mạc dạ
dày hoặc bầm tím do chảy máu trong niêm mạc.
– Phì đại nếp niêm mạc : Niêm mạc dạ dày mất tính nhẵn bóng, nổi gồ lên và không xẹp
xuống khi bơm hơi.
– Teo niêm mạc : các nếp niêm mạc teo và mỏng, nhìn thấy các mạch máu ở niêm mạc.
– Viêm trào ngược dịch mật : niêm mạc phù nề, xung huyết có nhiều dịch mật trong dạ dày.
Vi thể
Dưới đây sẽ trình bày những tổn thương cơ bản
– Biểu mô bề mặt:
Tế bảo biểu mô bề mặt thường bị tổn thương nhẹ. Khi có sự phá huỷ quá mức tế bào biểu mô cùng với sự tái tạo thái quá sẽ hình thành những nhú lồi giữa các khe, và trong một số trường hợp có thể hình thành polyp tăng sản.
Biểu mô phủ có thể long từng chỗ, mở đầu cho sự hoại tử và những tổn thương ăn mòn và sước.
– Các khe tuyến:
Tế bào khe tuyến tăng sinh để bù đắp những tế bào biểu mô bị thoái hoá long. Các tế bào ít nhiều kiềm tính kém chế tiết, tế bào từ trụ có thể trở nên vuông. Khe tuyến không thẳng, bị kéo dài khúc khuỷu hình “xoắn nút chai”. Nhân tế bào không đều, kiềm tính hơn, số lượng tế bào nhân chia tăng hơn. Tế bào khe có thể bị dị sản thành tế bào ruột, tế bào mâm khía và những tế bào hình chén. Sự dị sản này có thể kèm theo sự có mặt của tế bào Paneth và tạo nên ở bề mặt những nhung mao thực sự.
– Tuyến:
Tổn thương cơ bản ở vùng thân vị và hang vị không giống nhau.
* Niêm mạc thân vị: bình thường chiều cao tuyến thân vị bằng 4/5 chiều cao niêm mạc. Các tuyến thân vị số lượng tế bào thành và tế bào chính giảm, đặc biệt với tế bào thành là những tế bào kém bền vững. Thay thế tế bào thành và tế bào chính là những tế bào kém biệt hoá, tế bào vuông, tế bào thấp dẹt có thể hình thành những nang nhỏ. Ở thân vị có thể có dị sản hang vị và như vậy vùng hang vị được mở rộng hơn.
* Niêm mạc hang vị: số lượng tuyến hang vị giảm, tế bào tuyến được thay thế bằng những tế bào kém biệt hoá hoặc bằng sự dị sản ruột. Dị sản ruột vùng hang vị hay gặp hơn so với thân vị.
* Lớp đệm: lớp đệm tăng thể tích rõ do sự xâm nhập các thành phần tế bào. Trong đó chủ yếu là lympho – tương bào, phân bố lan toả hoặc đôi khi tập trung thành đám hay nang cùng với sự tăng lên của các nang lympho.
Sự có mặt hay không có mặt của bạch cầu đa nhân sẽ cho phép đánh giá tình trạng hoạt động của viêm dạ dày mạn. Ở thể viêm hoạt động, số lượng bạch cầu đa nhân tăng, có thể khu trú đơn thuần trong lớp đệm, giữa các khe hoặc cả ở lớp biểu mô hay lan rộng toàn bộ chiều cao của niêm mạc. Ở giai đoạn cuối của viêm teo, sự xâm nhập bạch cầu đa nhân có xu hướng giảm đi và có biều hiện xơ hoá nhẹ, đặc biệt xuất hiện khá nhiều sợi cơ trơn bắt nguồn từ cơ niêm.
copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
Link bài viết tại : Đại thể và vi thể của bệnh viêm dạ dày mạn