Phân loại mô bệnh học viêm dạ dày mạn.

0
549
bệnh viêm dạ dày mãn tính

Có nhiều phân loại viêm dạ dày mạn, nhưng phân loại thành 4 giai đoạn của Whitehead R(1985) được sử dụng phổ cập nhất hiện nay gồm: viêm mạn nông, viêm mạn teo (teo nhẹ, teovừa, teo nặng).

bệnh viêm dạ dày mãn tính

 Viêm mạn nông:

Tế bào biểu mô bề mặt có thể có những thay đổi loạn dưỡng hoặc có thể bị long từng chỗ.Đặc biệt, các khe có sự kéo dài, chứng tỏ một mức độ nào đó của sự phá huỷ và sửa chữa tế bào.Giai đoạn này các tuyến không có sự thay đổi. Tế bào viêm xâm nhập ở 1/3 trên của niêm mạc không vượt quá vùng khe, gồm tế bào lympho, tương bào.Hình ảnh trên có thể thoái triển hoặc trong một số ít trường hợp đây là giai đoạn mở đầu của  viêm mạn teo.

 Viêm mạn teo nhẹ

Hình ảnh gần giống như viêm mạn nông, có tổn thương tế bào tuyến, có giảm thể tích tuyến nhưng ít rõ ràng. Tế bào chính, tế bào thành có thể bị hốc hoá, hoại tử hoặc bị tiêu. Mô đệm xâm nhập lympho, tương bào.

Tổn thương viêm teo nhẹ đôi khi còn được gọi là viêm kẽ và khi có xâm nhập viêm ở nhiều nang lympho còn được gọi là viêm dạ dày thể nang (gastrite folliculaire)

 Viêm mạn teo vừa

Bao gồm hình ảnh trung gian giữa viêm teo nhẹ và viêm teo nặng. Niêm mạc trở nên mỏng do teo tuyến, số lượng tuyến giảm. Mô liên kết tăng sinh ở nơi tuyến bị teo làm cho khoảng cách các tuyến còn lại trở nên xa nhau xâm nhập nhiều lympho, tương bào, mô bào.

Viêm mạn teo nặng

Thể này được xác định do giảm nhiều hoặc mất hẳn tổ chức tuyến. Mô đệm phát triển mạnh, các tuyến còn lại phân bố theo nhóm, có nơi tế bào tuyến biệt hoá kém. Chiều dày niêm mạc giảm đi rõ.

Trong các thể viêm mạn teo đều có xâm nhập tế bào viêm toàn bộ chiều dày niêm mạc và đều có bạch cầu đa nhân ở thể viêm hoạt động. Bạch cầu đa nhân có thể phân tán trong mô đệm, xâm nhập vào giữa các tế bào biểu mô, vào trong các khe và trong lòng tuyến, mô đệm phù nề, xung huyết.

Ngoài những biều hiện trên ở viêm mạn teo còn có thể thấy dị sản ruột và loạn sản.

Dị sản ruột:

là sự biến đổi tế bào của niêm mạc dạ dày sang trạng thái biểu mô ruột non với sự xuất hiện tế bào chén chế nhầy và tế bào hấp thụ có xu hướng hình thành nhung mao với viền bàn chải ở ngọn tế bào. Ở viêm mạn teo nhẹ thường không có dị sản ruột hoặc nếu có thì ở mức độ nhẹ. Còn trong viêm teo vừa và nặng, dị sản ruột thường thấy hơn và ở mức độ nặng hơn. Dị sản ruột xảy ra ở vùng hang vị hơn ở vùng thân vị.

Loạn sản:

với những trường hợp viêm dạ dày kéo dài, biểu mô có những biểu hiện biến đổi về mặt tế bào bao gồm cả sự khác nhau về kích thước, hình dạng và sự định hướng sắp xếp của các tế bào biểu mô. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 1980) loạn sản phân làm 3 mức độ: loạn sản nhẹ, loạn sản vừa và loạn sản nặng.

Loạn sản nhẹ: trên mô học thay đổi ít, tế bào biểu mô phủ và tuyến hình trụ tăng ưa kiềm, nhưng nhân tế bào còn tương đối đồng dạng,

thon dài và sắp xếp ở phía màng đáy. Tỷ lệ nhân trên nguyên sinh chất tăng nhẹ.

Loạn sản vừa biểu hiện bằng mất tính biệt hoá hoàn toàn của tế bào biểu mô. Nhân tế bào lớn trở nên tròn hơn. Tỷ lệ nhân trên nguyên sinh chất tăng rõ. Tăng chỉ số nhân chia. Cấu trúc tuyến không còn giống bình thường.

Loạn sẳn nặng, có những biến đổi không điển hình về tế bào và cấu trúc tuyến. Đa hình thái tế bào và nhân. tế bào sắp xếp giả hàng hoặc nhiều hàng ở các tuyến không bình thường, xuất hiện nhiều nhân chia và có nhân chia không điển hình.

– Ngày nay căn cứ vào những nghiên cứu kháng thể tới tế bào thành và mức độ hoạt động của tế bào G chế gastrin người ta còn đưa ra phân loại viêm dạ dày mạn typ A và typ B.

* Typ A: có kháng thể chống tế bào thành, tổn thương biểu hiện ở thân vị nơi có tế bào thành nhiều nhất, nên còn gọi là viêm dạ dày teo thân vị lan toả. Trong typ này sự chế tiết acidHCl giảm và tăng gastrin máu. Niêm mạc vùng hang vị ít bị biến đổi.

* Typ B: là loại phổ biến hơn, tổn thương khu trú ở hang vị, không có kháng thể chống tế bào thành, không có gastrin huyết cao, chế tiết HCl giảm nhẹ, thường liên quan tới H.Pylori.

* Typ AB: Jerzy Glass và cộng sự (1975) bổ xung thêm thể tổn thương ở cả thân vị và hang vị có hoặc không có kháng thể chống tế bào thành (AB+ và AB-)

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Phân loại mô bệnh học viêm dạ dày ruột