LỰA CHỌN THÔNG TIN TỪ NHIỀU NGUỒN THÔNG TIN

0
725
Thuốc

LỰA CHỌN THÔNG TIN TỪ NHIỀU NGUỒN THÔNG TIN

Ưu điểm và nhược điểm của các nguồn thông tin thuốc khác nhau đã được mô tả ở trên. Số lượng và chủng loại thông tin cũng khác nhau ở mỗi nước và tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể. Cần biết cách cập nhật kiến thức bằng cách lập danh sách tất cả các nguồn thông tin mà ta có thể tiếp cận. Nên cố gắng tìm được ít nhất một nguồn thông tin từ mỗi loại nêu sau đây: (1) tạp chí Y học; (2) bảng thông tin thuốc; (3) sách tham khảo về dược lý; (4) các Hội đồng điều trị, chuyên gia hoặc tham gia các khoá đào tạo sau đại học.

Mặc dù nguồn thông tin cơ bản sử dụng trong thực tế kê đơn hàng ngày, đôi khi vẫn có thể gặp một vấn đề mới và khó giải quyết, do đó cần thêm các nguồn thông tin khác. Có thể tham khảo các sách dược lý hoặc sách tham khảo về lâm sàng, bảng thông tin thuốc, tư vấn các chuyên gia (dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa, đồng nghiệp), các bách khoa thư về thuốc hoặc dược điển.

Thuốc

Hạn chế của các thông tin từ nguồn thương mại

Nếu thấy rằng thông tin này vẫn có phần giá trị thì nên tuân theo các quy tắc đã nói đến ở trên. Đặc biệt là không nên chỉ sử dụng các thông tin có nguồn gốc thương mại mà không chú ý đến các nguồn thông tin khác.

Làm thế nào để đọc tài liệu một cách có hiệu suất cao?

Đọc các bài báo:

Nhiều bác sĩ gặp khó khăn vì muốn đọc mọi thứ một lúc. Lý do chính là thiếu thời gian và số lượng tài liệu tham khảo nhận được quá nhiều. Vì thế cần có phương pháp cụ thể để sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất. Có thể tiết kiệm thời gian khi đọc các tạp chí lâm sàng bằng cách xác định trước các bài báo đáng để đọc thông qua các bước sau:

  • Xem lướt qua tên bài để xem có bổ ích cho bạn không. Nếu không nên chuyển sang bài khác.
  • Xem tên tác giả. Một người đọc có kinh nghiệm thường biết các tác giả có uy tín. Nếu không, bạn không nên đọc bài báo đó. Nếu gặp các tác giả mới, có thể đọc nhưng cần thận trọng lựa chọn.
  • Đọc tóm tắt bài báo. Điều quan trọng là cần chú ý xem kết luận của bài báo có cần cho mình không. Nếu không quan trọng, không nên đọc bài báo đó.
  • Xem xét bối cảnh nghiên cứu xem có phù hợp với trường hợp của mình không và kết luận của bài báo có thể áp dụng vào công việc không. Ví dụ kết luận của một bài báo nghiên cứu trong bệnh viện có thể không có giá trị nhiều với trường hợp bạn là bác sĩ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Nếu sự khác biệt giữa bối cảnh nghiên cứu của bài báo và hoàn cảnh của mình quá lớn thì không cần đọc bài báo.
  • Hãy kiểm tra phần “đối tượng và phương pháp nghiên cứu”. Nếu đồng ý
    với phương pháp nghiên cứu thì hãy bàn tới việc kết luận của bài báo có dùng
    được không.
  • Kiểm tra kỹ phần tài liệu tham khảo. Nếu hiểu rõ lĩnh vực mình làm thì sẽ biết ngay tác giả có trích dẫn đủ các tài liệu tham khảo quan trọng nhất không. Nếu không, cần rất thận trọng.

Đọc thử nghiệm lâm sàng cần biết một số nguyên tắc sau:

  • Thứ nhất, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, áp dụng phương pháp mù đôi, thường cho các thông tin về tính hiệu quả của phương pháp điều trị. Các thử nghiệm lâm sàng không áp dụng thiết kế nghiên cứu như trên thường cho kết quả bị nhiễu.
  • Thứ hai, một thử nghiệm lâm sàng cần mô tả đầy đủ các phần sau:

+    (1) bệnh nhân tham gia nghiên cứu, số lượng, giới tính, tuổi, các tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ ;

+    (2) cách dùng thuốc: liều lượng, đường vào, số lần và tần số, kiểm tra tình trạng không tuân thủ điều trị, thời gian điều trị;

+    (3) phương pháp thu thập số liệu và đánh giá hiệu quả điều trị;

+    (4) mô tả các phương pháp xử lý thống kê và phương pháp để kiểm soát tình trạng số liệu bị nhiễu.

  • Cuối cùng, cần để ý đến ý nghĩa lâm sàng của kết luận đưa ra chứ không chỉ ý nghĩa thống kê. Nhiều khác biệt thống kê quá nhỏ nên không có ý nghĩa thực tế về mặt lâm sàng.

Nhiều khi các nguồn thông tin khác nhau đưa ra các thông tin trái ngược. Nếu có nghi ngờ, trước hết cần kiểm tra phương pháp nghiên cứu vì các phương pháp nghiên cứu khác nhau có thể cho ra các kết quả khác nhau. Sau đó cần xem lại quần thể nghiên cứu xem quần thể nào phù hợp hơn với trường hợp mà ta cần tìm hiểu không. Nếu vẫn còn nghi ngờ, nên đợi thêm một thời gian khi có các bằng chứng rõ ràng hơn rồi hãy quyết định chọn thuốc nào.

Cập nhật kiến thức không chỉ là một công việc khó khăn đối với người bác sĩ kê đơn ở tất cả các nước, cần nắm được nguyên tắc, phương pháp đúng đắn để sử dụng tối đa khả năng tiếp cận các thông tin cơ bản là một việc quan trọng để có thể giúp bệnh nhân có được lợi ích tối đa khi điều trị bằng các thuốc do bác sĩ kê đơn. Hãy thận trọng và hiểu rõ các ưu nhược điểm của các nguồn thông tin khác nhau và dành thời gian nghiên cứu các thông tin đáng giá.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Lựa chọn thông tin từ nhiều nguồn thông tin