Điều trị bệnh vảy nến

0
1098
Bệnh vảy nến

 

Chiến lược điều trị

Bệnh vảy nến

Điều trị bệnh vảy nến gồm hai giai đoạn:

  • Giai đoạn tấn công

Có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại chỗ, toàn thân hoặc phối hợp các phương pháp điều trị nhằm xoá sạch thương tổn.

  • Giai đoạn duy trì sự ổn định

Giữ cho bệnh không bùng phát.

Tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ về bệnh vảy nến, phối hợp với thầy thuốc khi điều trị cũng như dự phòng bệnh bùng phát.

+ Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến.

+ Nếu vận dụng và phối hơp tốt các phương pháp điều trị có thể duy trì được sự ổn định của bệnh, hạn chế được các đợt bùng phát, cải thiện được chất lượng cuộc sống người bệnh.

Các thuốc điều trị tại chỗ

– Lựa chọn trong số các loại thuốc bôi sau:

Dùng thuốc bôi

Dithranol, anthralin:

  • Bôi ngày 1 lần, điều trị tấn công hoặc điều trị củng cố, rất có hiệu quả đối với bệnh vảy nến thể mảng, đặc biệt ở những trường hợp chỉ có một vài mảng thương tổn lớn.
  • Chống chỉ định với những trường hợp đỏ da toàn thân, vảy nến thể mủ.
  • Tránh để thuốc dây vào da bình thường, rửa tay sau khi dùng thuốc.
  • Tác dụng không mong muốn gặp ở một vài trường hợp, chủ yếu là gây kích ứng da.

Salicylic axit đơn thuần

  • Hay được sử dụng ở Việt Nam, thuốc có tác dụng bạt sừng, bong vảy, bôi ngày 1-2 lần; không bôi toàn thân vì có thể gây độc, tăng men gan.
  • Salicylic axit kết hợp với corticoid vừa có tác dụng bạt sừng vừa chống viêm, bôi ngày 2 lần.

Calcipotriol

  • Là một dẫn chất của vitamin D3, dạng thuốc mỡ, điều trị bệnh vảy nến thể thông thường
  • Bôi ngày 2 lần, liều tối đa không quá 100mg/tuần, bôi dưới 40% diện tích da cơ thể.

Calcipotriol kết hợp với corticoid

  • Bôi ngày 1 lần, dùng điều trị tấn công
  • Dạng gel dùng điều trị vảy nến da đầu
  • Dạng mỡ dùng điều trị vảy nến ở thân mình.

Vitamin A axít

  • Dùng tại chỗ, dạng đơn thuần hoặc dạng kết hợp với corticoid.
  • Trong điều trị vảy nến thể mảng, thuốc được bôi ngày 1 lần.
  • Có thể có các tác dụng phụ như kích ứng, đỏ da, bong da nhẹ.

Kẽm oxýt

  • Tác dụng làm dịu da, giảm kích ứng
  • Sử dụng kết hợp với các thuốc bạt sừng bong vảy mạnh.

Corticoid tại chỗ

  • Được bôi ngày 1 đến 2 lần, dùng điều trị tấn công, tác dụng điều trị nhanh nhưng dễ tái phát sau ngừng thuốc
  • Dùng kéo dài có thể gặp các tác dụng không mong muốn, cần phải giảm liều.

– Quang trị liệu

+ UVA (320-400nm), tuần chiếu 3 lần hoặc 2 ngày chiếu 1 lần.

+ UVB (290-320nm) ngày nay ít sử dụng, được thay thế dần bằng UVB dải hẹp (UVB-311nm, UVB-Narrow Band), có hiệu quả điều trị hơn và hạn chế được tác dụng không mong muốn.

+ PUVA (Psoralen phối hợp UVA): meladinin 0,6 mg/kg uống 2 giờ trước

khi chiếu UVA, liều UVA tăng dần từ 0,5 đến 1 J/cm2.

Toàn thân

Methotrexat:

  • Tác dụng chống chuyển hóa do ức chế quá trình khử axit folic cần thiết cho tổng hợp axít nucleic và axít amin ở tế bào, điều trị đỏ da toàn thân do vảy nến, vảy nến thể mủ toàn thân, vảy nến thể mảng lan rộng.
  • Liều mỗi tuần 7,5mg uống chia làm 3 lần cách nhau 12 giờ hoặc tiêm bắp thịt 1 lần 10mg/tuần.
  • Cần theo dõi chức năng gan khi dùng thuốc kéo dài.

Acitretin

  • Dẫn chất của vitamin A axít, tác dụng điều hòa quá trình sừng hóa, điều trị các thể vảy nến nặng.
  • Người lớn dùng liều khởi đầu 25 mg/ngày, sau 1-2 tuần, tùy theo kết quả và dung nạp thuốc sẽ điều chỉnh (tăng hoặc giảm liều) cho phù hợp.

Cyclosporin

  • Tác dụng ức chế miễn dịch, điều trị những thể vảy nến nặng
  • Liều khởi đầu 2,5-5 mg/kg/ngày chia làm 2 lần
  • Sau 1 tháng có thể tăng liều nhưng không quá 5mg/kg/ngày.
  • Sau 6 tuần dùng liều cao mà không thấy hiệu quả thì ngừng thuốc.

Các thuốc trên có nhiều tác dụng phụ như gây quái thai, rối loạn chức năng gan, thận, giảm bạch cầu, …Vì vậy, phải thận trọng khi chỉ định và phải theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị.

Corticoid:

  • Sử dụng khi thật sự cần thiết và phải cân nhắc lợi, hại.
  • Không nên lạm dụng và dùng kéo dài vì sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt gây đỏ da toàn thân, vảy nến thể mủ.

– Nâng cao thể trạng: các vitamin B12, C, …