Các nguồn thông tin thuốc (tiếp)

0
942
Sử dụng kháng sinh

Thông tin nói

Một các khác để cập nhật thông tin là tham khảo kiến thức của các chuyên gia, đồng nghiệp, dược sĩ, tham gia các khoá đào tạo sau đại học hệ tại chức hay chính quy hoặc tham gia vào các Hội đồng điều trị. Các Hội đồng thuốc và điều trị ở cơ sở bệnh viện gồm các bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ lâm sàng. Kiến thức chuyên môn sâu của bác sĩ chuyên khoa có thể không phải lúc nào cũng áp dụng vào trường hợp cụ thể. Một số công cụ chẩn đoán và phương pháp điều trị có thể quá phức tạp hoặc không sẵn có ở mức độ chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

 

 Các trung tâm thông tin thuốc

Trung tâm thông tin thuốc, trung tâm thông tin chống độc. Nhân viên Y tế có thể gọi điện xin giải đáp các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc, độc tính… Phương tiện thông tin hiện đại, chẳng hạn máy tính nối mạng và CD-ROM đã giúp nâng cao đáng kể khả năng truy nhập các kho dữ liệu lớn. Nhiều cơ sở dữ liệu chính như Tác dụng phụ của thuốc của Martindale và Meyler (Martindale and Meyler’s Side effects of Drugs) có thể truy cập được qua mạng thông tin điện tử.

Nếu các trung tâm thông tin thuốc trực thuộc Cục Dược của Bộ Y tế thì thông tin thường tập trung vào thuốc. Các trung tâm bố trí tại các bệnh viện thực hành và trường đại học tổng hợp thì có thể có định hướng lâm sàng hơn.

 

Thông tin vi tính hóa

Các hệ thống thông tin thuốc được vi tính hoá lưu trữ toàn bộ thông tin về từng bệnh nhân đang được xây dựng. Một số hệ thống khá phức tạp và gồm nhiều phần khác nhau để xác định tương tác thuốc và chống chỉ định. Một số hệ thống chứa các thông tin về hướng dẫn điều trị cho từng chẩn đoán, cung cấp cho bác sĩ kê đơn một số thuốc được chỉ định để lựa chọn bao gồm cả liều thuốc, cách dùng, và tổng số thuốc muốn vậy thông tin phải được cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khách quan. Hệ thống thông tin vi tính hoá sẽ rất có ích cho công việc kê đơn thuốc. Tuy nhiên, máy tính không thể thay thế người bác sĩ lựa chọn thuốc và điều chỉnh cho phù hợp với từng bệnh nhân.

 

Các nguồn thông tin từ ngành công nghiệp dược phẩm

Thông tin từ ngành công nghiệp dược phẩm thường rất sẵn có qua các kênh thông tin khác nhau: nói, viết và vi tính hoá. Ngân sách tiếp thị của ngành này rất lớn và thông tin được đưa ra rất hấp dẫn và dễ hiểu. Tuy nhiên, các nguồn thông tin thương mại thường chỉ tập trung vào các khía cạnh tốt của sản phẩm và bỏ qua hoặc nói rất ít đến các mặt không tốt. Thông thường ngành công nghiệp dược phẩm sử dụng cách tiếp cận “nhiều kênh”. Điều này có nghĩa là thông tin được cung cấp bằng nhiều cách: thông qua các trình dược viên (thậm chí còn chia ra nam và nữ), quảng cáo tại các cuộc họp chuyên môn của bác sĩ, quảng cáo trên tạp chí và gửi thư trực tiếp.

Nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy 90% bác sĩ đã từng gặp trình dược viên và một bộ phận đáng kể dựa vào các trình dược viên để thu thập thông tin về thuốc điều trị. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi bác sĩ càng dựa nhiều vào các nguồn thông tin thương mại thì họ càng có xu hướng kê đơn không đúng mực.

Khi quyết định sử dụng dịch vụ của các trình dược viên để cập nhật kiến thức về thuốc, cần cân nhắc các lợi ích tiềm tàng với các lợi ích thu được thông qua việc đọc các thông tin so sánh khách quan từ tạp chí.

Bao giờ cũng yêu cầu được cung cấp các nguồn tham khảo chính thức về tính hiệu quả và an toàn. Thậm chí trước khi đọc thông tin tham khảo thì bản thân tên và chất lượng tạp chí đăng thông tin này cũng nói lên nhiều điều về chất lượng của công trình nghiên cứu về loại thuốc đó. Cần lưu ý rằng đa số các thuốc mới được quảng cáo trên thị trường  thường  không đưa ra được các ưu thế điều trị thật sự mà thường được biết đến dưới cái tên châm biếm “thuốc của tôi cũng thế”. Nói cách khác, các thuốc “mới” này thường có thành phần hoá học và tác động tương tự các sản phẩm khác trên thị trường. Sự khác nhau thường chỉ nằm ở giá cả; các thuốc mới được quảng cáo thường bao giờ cũng đắt nhất! Gặp các trình dược viên là cần thiết để tìm hiểu về các thuốc mới, nhưng thông tin cần phải được xác minh và so sánh với các nguồn thông tin khách quan và nghiêm túc.

Thông tin về thuốc từ các nguồn mang tính thương mại thường cũng được đăng tải trong các bài báo về thuốc mới, các bài báo khoa học trong các tạp chí chuyên môn. Ngành công nghiệp dược cũng là nhà tài trợ chính cho các hội nghị và hội thảo khoa học. Ranh giới giữa thông tin khách quan và thông tin mang tính quảng cáo nhiều khi không rõ ràng.

Sử dụng thông tin từ nguồn thương mại như một nguồn thông tin thuốc duy nhất là không phù hợp để cập nhật kiến thức. Mặc dù đây là một cách lấy thông tin dễ dàng, thông tin từ các nguồn thương mại thường bị nhiễu theo hướng quảng cáo cho một sản phẩm nhất định do đó có thể dẫn tới kê đơn không hợp lý.

Nếu sử dụng thông tin từ nguồn thương mại thì nên theo các quy tắc sau đây:

  • Thứ nhất, hãy tìm hiểu nhiều thông tin hơn là những gì có trong quảng cáo.
  • Thứ hai, cần tìm kiếm các tài liệu tham khảo và xem xét về chất lượng của các nguồn này. Chỉ có các tài liệu tham khảo được đăng trong các tạp chí Y học có chất lượng và được các chuyên gia độc lập kiểm tra mới nên sử dụng. Sau đó cần kiểm tra chất lượng của phương pháp nghiên cứu mà trên cơ sở đó bài báo đưa ra kết luận.
  • Thứ ba, hỏi lại các đồng nghiệp, nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu có kiến thức về thuốc. Cuối cùng, bao giờ cũng cần thu thập thông tin từ các nguồn không bị nhiễu trước khi bắt đầu sử dụng thuốc để kê đơn. Đừng bắt đầu bằng việc sử dụng các thuốc mẫu được cung cấp miễn phí cho vài bệnh nhân hoặc người thân, và không được đưa ra kết luận riêng của mình trên cơ sở chỉ điều trị vài bệnh nhân.

Tuy vậy, thông tin từ các nguồn thương mại có thể bổ ích về nhiều mặt, nhất là để biết các hướng phát triển mới của thuốc.

 

Các Website thông tin thuốc (Drug Information Websites)

  • nlm.nih.gov/medlineplus/druginformation
  • cochrane.org
  • usp.org (Dược điển Mỹ United States Pharmacopeia)
  • ashp.org (Hội dược sĩ Y tế Mỹ American Society of Health – System Pharmacists)
  • med.uc.edu.aahsl (Hiệp hội các Thư viện y học Hàn lâm – Assiciation of Acedemic Health Sciences Libraries).
  • prn.usm.my (Trung tâm thông tin thuốc, thông tin chống độc quốc gia Malaysia)

www.cimsi.org.vn/CucQuanLyDuoc.htm (Cục quản lý Dược Việt Nam)

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Các nguồn thông tin thuốc