Điều tra tiêu thụ thực phẩm tại hộ gia đình

0
631
ăn

 

Điều tra tiêu thụ thực phẩm tại hộ gia đình

Là một trong các phương pháp cho phép rút ra các kết luận về mối liên hệ giữa ăn uống và tình trạng sức khỏe.

Cân đong thực phẩm tại hộ gia đình

– Đây là phương pháp chính xác nhất để đánh giá lượng thức ăn hoặc chất dinh dưỡng ăn vào thường ngày của đối tượng.

– Trong phương pháp này, tất cả các thực phẩm và đồ uống được tiêu thụ bởi đối tượng trong một giai đoạn thời gian nhất định được cân và ghi chép lại (kể cả phương pháp chế biến, loại thực phẩm, thành phần công thức và tên hãng thực phẩm).

– Với những thức ăn ở ngoài bữa ăn gia đình của đối tượng sẽ được hỏi lại, diều tra viên dựa vào việc mô tả sẽ mua và cân những thực phẩm tương tự như vậy về số lượng và kích thước.

– Nên thiết kế trong nghiên cứu có cả những ngày mà bữa ăn có thể được cải thiện hơn ngày thường.

* Kỹ thuật:

Điều tra viên phải cân chính xác thực phẩm tại hộ gia đình ở các giai đoạn như:

– Chưa làm sạch

– Đã làm sạch: (trước khi rửa để cho vào nấu hoặc chế biến).

Ví dụ: Gạo đã nhặt sạch thóc, sạn nhưng chưa vo, rau đã nhặt bỏ cọng, lá già nhưng chưa rửa…

Đây là giai đoạn quan trọng nhất, vì khi tính thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm, người ta dựa vào hàm lượng của nó trong 100 gam thức ăn sống sạch.

– Sau khi nấu chín: (không kể nước luộc, nước canh…)

Cân ở giai đoạn này để tính tỷ lệ thức ăn từ sống sạch sang chín. Từ đó làm cơ sở để tính lượng thức ăn còn thừa sau bữa ăn sang thực phẩm sống, sạch.

– Thức ăn thừa: Để tính phần thực tế đã ăn.

– Phần thức ăn còn lại, cho gia súc, gia cầm, phần vỏ, xương… sẽ được trừ bỏ không tính vào ăn.

– Phần thức ăn còn lại ở bữa trước để sang bữa sau sẽ được tính nếu như vẫn còn trong thời gian nghiên cứu.

Ví dụ: Cân món rau muống luộc:

– Sau khi làm sạch, chưa rửa: cân được 1.000g.

– Sau khi luộc chín vớt ra đĩa: Cân được 1.100g.

– Sau khi ăn, lượng còn dư không ăn: cân được 300g.

Như vậy ở đây: Tỷ lệ chín/sống là 110%.

Lượng rau sống sạch không ăn là:         300 x 100 / 110 = 272 gam

Lượng rau sống sạch thực ăn là:           1000 – 272 = 728 gam.

Trong một số nghiên cứu người ta còn cân thực phẩm cả ở giai đoạn chưa làm sạch: Rau mới hái hoặc mua về chưa nhặt bỏ phần cọng, lá già, cá mua về chưa mổ bỏ ruột, vây, rau quả chưa gọt bỏ vỏ… để tính tỉ lệ thải bỏ cho thích hợp hơn tùy theo từng vùng và để trong trường hợp một điều tra viên phải phụ trách nhiều hộ gia đình, có thể có những hộ gia đình không chờ điều tra viên đến cân thực phẩm ở giai đoạn sống sạch đã cho vào nấu, thì vẫn còn có số liệu để sử dụng.

Thời gian:

  • Thời gian điều tra dài hay ngắn tùy theo chu kỳ của thực đơn (ví dụ là một tuần lễ, kỳ chợ phiên…)
  • Thường thường là một tuần hoặc không ít hơn ba ngày.

Hạn chế của phương pháp

  • Mất thời gian, tốn kém
  • Số lượng mẫu hạn chế vì một điều tra viên chỉ có thể đảm nhận cân đong được từ 3 – 5 hộ gia đình trong một cuộc nghiên cứu điều tra, tùy theo cách chọn mẫu, mật độ dân cư, địa hình, đường xá…
  • Đối tượng được nghiên cứu có thể thay đổi khẩu phần ăn thường ngày của họ để tỏ ra “một sự ăn uống kham khổ” hoặc ngược lại để tỏ ra “một sự sung túc” giả tạo.
  • Phương pháp này gây phiền cho gia đình khá nhiều. Do đó, đối tượng có thể từ chối hợp tác.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Điều tra tiêu thụ thực phẩm tại hộ gia đình