Điều trị hội chứng Lyell

0
521
Hội chứng Stevens-Johnson
Hội chứng Lyell

ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc chung điều trị hội chứng Lyell

  • Trước tiên phải ngừng sử dụng các thuốc nghi ngờ dị ứng.
  • Cần đánh giá người bệnh một cách toàn diện để có kế hoạch điều trị cụ thể.
  • Đánh giá chức năng sống và làm các xét nghiệm cần thiết.
  • Đánh giá  mức  độ  nặng  và  tiên  lượng  bệnh

Điều trị cụ thể

Chăm sóc tại chỗ:

+ Cần điều trị tại phòng cấp cứu, vô khuẩn.

+ Chăm sóc da như điều trị người bệnh bỏng nặng.

+ Rửa các vùng da tổn thương hàng ngày bằng nước muối sinh lý, dung dịch thuốc tím loãng 1/5.000-1/10.000. Có thể đắp hoặc quấn băng gạc có tẩm thuốc kháng sinh hoặc vaselin.

+ Niêm mạc: vệ sinh bằng nước muối sinh lý, bôi miệng bằng dung dịch glycerin borat, súc miệng bằng nước oxy già pha loãng 1,5%, bôi kamistad gel (lidocain hydroclorid).

+ Các thương tổn mắt cần sớm được đánh giá và điều trị theo mức độ, tra thuốc mỡ kháng sinh, dầu vitamin A, bóc tách mi mắt tránh hiện tượng viêm, loét kết mạc, dính mi mắt, mù lòa.

Điều trị toàn thân

+ Chế độ ăn: cần ăn lỏng, đủ dinh dưỡng, nhiều đạm tốt nhất là sữa, cháo dinh dưỡng, ăn nhiều bữa, cần thiết có thể ăn qua sond.

+ Truyền đạm, plasma tươi

+ Bồi phụ nước và điện giải

+ Thuốc giảm đau

+ Kháng histamin

+  Kháng  sinh:  thường  dùng  kháng  sinh  phổ  rộng,  ít  gây  dị  ứng  như clarithromycin, azithromycin để chống nhiễm khuẩn da, phổi, nhiễm khuẩn huyết.

+ Thuốc corticoid: trường hợp có chỉ định có thể điều trị một trong hai cách sau:

  • Liều từ 1-2 mg/kg cân nặng, có khi tới 4mg/kg cân nặng.
  • Liều 100-250 mg truyền tĩnh mạch trong khoảng 3-4 ngày đầu.

Khi tổn thương da và toàn thân tiến triển tốt, có thể giảm nhanh liều để tránh các tai biến do thuốc.

+ Globulin miễn dịch liều cao truyền tĩnh mạch, 1mg/kg cân nặng x 3 ngày.

+ Ngoài ra cần điều trị các triệu chứng, biến chứng ở gan, thận, rối loạn nước và điện giải, các xuất huyết tiêu hóa, chít hẹp thực quản, âm đạo.

TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

  • Người bệnh mắc hội chứng Lyell thường có tiên lượng nặng.
  • Tỷ lệ tử vong từ 30-40%.
  • Nguyên nhân tử vong thường do nhiễm khuẩn, rối loạn nước điện giải, suy đa tạng.
  • Một số biến chứng khác là giảm thị lực, loét giác mạc không hồi phục gây mù lòa, nhiễm độc gan, thận, suy thận cấp, chít hẹp thực quản, xuất huyết tiêu hóa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, …
  • Bệnh thường tiến triển trong 3-4 tuần, các thương tổn da sau khi khỏi thường để lại các dát thâm, tăng sắc tố.

DỰ PHÒNG

  • Bệnh nhân cần hiểu biết các triệu chứng của bệnh
  • Tránh không tái sử dụng các thuốc nghi ngờ, hoặc đã xác định là dị ứng, có thẻ chứng nhận bệnh nhân dị ứng thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc, tránh lạm dụng, khi cần dùng thuốc, phải thông báo cho bác sĩ tiền sử dị ứng của mình
  • Nếu có bất kì những biểu hiện bất thường nào sau khi sử dụng, phải dừng thuốc ngay và đến các cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt.