1.Tổn thương ở tim:
– Trong thấp tim cấp, các tổn thương viêm thành ổ rải rác khắp nơi tìm thấy ở nhiều vị trí. Tổn thương điển hình và đặc hiệu nhất của thấp tim là hạt Aschoff. Hạt Aschoff có thể tìm thấy ở bất cứ vị trí nào của ba lớp của tim: ngoại tâm mạc, cơ tim hoặc nội tâm mạc. Ở ngoại tâm mạc nó khu trú ở mô xơ và mỡ dưới màng tim và kèm theo một xuất tiết tơ huyết hoặc thanh tơ huyết. Viêm ngoại tâm mạc thường khỏi không để lại di chứng. Tổn thương cơ tim có hình thái của các hạt Aschoff rải rác trong mô liên kết kẽ, thường ở cạnh các mạch máu. Bản chất của hạt Aschoff là những ổ viêm hạt mà hình thái thay đổi theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh, do đó việc chẩn đoán mô bệnh học cũng không đơn giản.
+ Khi mới phát sinh: trung tâm là một ổ nhỏ hoại tử dạng tơ huyết, vây xung quanh chiếm ưu thế là các lym phô bào, một số mô bào, đại thực bào, đôi khi có cả tương bào và các mô bào hoạt hoá được gọi là tế bào Anitschkow hay tế bào Aschoff. Những tế bào đặc biệt này có bào tương kiềm tính, nhân hình tròn đến hình trứng, màng nhân đặc, ở trung tâm chất nhiễm sắc được sắp xếp thành từng dải mỏng hình làn sóng, giống sâu bướm (vì vậy còn được gọi là tế bào sâu bướm). Xâm nhập viêm đa dạng vây quanh ổ hoại tử ở trung tâm tạo nên hạt Aschoff là hình ảnh đặc trưng cho bệnh thấp tim cấp.
+ Ở giai đoạn tiến triển, hạt Aschoff không tròn mà kéo dài hình bầu dục, không có mô hoại tử nữa mà có nhiều tế bào lớn, nhân to, có khi có múi, gần giống như tế bào khổng lồ, có lẽ được sinh ra từ tế bào Aschoff. Có thể gặp một số bạch cầu đa nhân trung tính, toan tính và tương bào.
+ Giai đoạn thoái triển: Bạch cầu một nhân chiếm ưu thế vì vậy giai đoạn này còn gọi là viêm cơ tim bạch cầu một nhân.
+ Giai đoạn sẹo hóa( từ sáu tháng đến một năm khởi bệnh): Hạt Aschoff xơ hóa, ít tế bào, không điển hình và khó chẩn đoán.
– Tổn thương lan toả: các huyết quản xung huyết, mô kẽ phù nề, rải rác các tế bào viêm như bạch cầu đa nhân trung tính, ái toan, lymphô bào, bạch cầu một nhân..
– Tổn thương cơ tim: tế bào cơ tim bị thoái hóa hạt, thoái hóa mỡ, mất vân, thũng đục, thoái hóa nhân đông…
– Nội tâm mạc: Nội tâm mạc của nhĩ trái và các van tim, nhất là van hai lá, hay bị tổn thương và rõ hơn nơi khác. Tổn thương tương đối kín đáo với những ổ hoại tử nhỏ dạng tơ huyết, nằm nông ở trên mặt nội mạc, nó có thể loét và để tiểu cầu, tơ huyết lắng đọng, tạo nên những hạt nhỏ mà có thể nhìn thấy trên đại thể. Những hạt mới, không có nội mô phủ nên ráp, sau này có nội mô phủ thì nhẵn.
+ Tổn thương ngoại tâm mạc: trên cả hai lá tạng và lá thành đều gặp những tổn thương lan toả, xung huyết, phù, xâm nhập tế bào viêm, đặc biệt ở mặt tự do thường có lắng đọng tơ huyết. Có thể gặp hạt Aschoff ở ngoại tâm mạc
2. Tổn thương ngoài tim:
– Ở khớp: tương ứng với việc ứ nước đục trong các ổ khớp, có những tổn thương cấp hay bán cấp trên màng khớp như: quá sản liên bào khớp, tăng sinh mô liên kết, xung huyết, xâm nhập viêm, rải rác các ổ hoại tử dạng tơ huyết và ít khi gặp những hạt Aschoff như ở tim.
– Phổi: có những tổn thương viêm dị ứng như tăng tiết dịch, ít thấy xâm nhập viêm. Màng phổi bị viêm thanh tơ huyết.
– Thận: ngoài phù, xung huyết và xâm nhập viêm nhẹ ở mô kẽ, tổn thương chủ yếu gặp ở cầu thận: khoảng Bowmann phù, giãn rộng, màng dày, có các ổ hoại tử nhỏ dạng tơ huyết ở búi mao mạch.
– Hình ảnh mô bệnh học các hạt dưới da, của gân, dây chằng, cân cơ, khớp… thể hiện là những ổ hoại tử dạng tơ huyết nhỏ, vây xung quanh là các mô bào, một số tế bào viêm như lymphô, bạch cầu một nhân và thường ở xung quanh các huyết quản nhỏ. Những tổn thương này chỉ gặp trong một hai tuần đầu rồi biến đi không để lại dấu vết.
copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com
Link bài viết tại :Nghiên cứu vi thể bệnh thấp tim