Thương tổn cơ bản
Phụ thuộc vào mức độ nặng, vị trí và thời gian bị bệnh, viêm da tiếp xúc dị ứng có thể cấp hoặc mạn tính.
Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính
- Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính là dát đỏ, ranh giới rõ, phù nề, trên mặt có mụn nước, sẩn, trường hợp phản ứng mạnh có bọng nước kết hợp lại với nhau thành mảng.
- Bọng nước vỡ để lại vết trợt tiết dịch và đóng vảy tiết.
- Cơ năng có ngứa.
Viêm da tiếp xúc dị ứng bán cấp
- Viêm da tiếp xúc dị ứng bán cấp là những mảng dát đỏ nhẹ, kích thước nhỏ, trên có vảy da khô, đôi khi kèm theo những đốm màu đỏ nhỏ hoặc những sẩn chắc, hình tròn.
Khi tiến triển mạn tính
- Mạn tính thường có lichen hóa, da dày, nếp da sâu thành những đường kẻ song song hoặc hình thoi, bong vảy da cùng các sẩn vệ tinh, nhỏ, chắc, hình tròn, phẳng, những vết trầy xước, dát đỏ và nhiễm sắc tố.
- Bệnh thường gặp ở người đã mẫn cảm với dị nguyên gây viêm da tiếp xúc. Khởi đầu, tại vị trí da tiếp xúc lại với dị nguyên (48 giờ trở lên) xuất hiện thương tổn. Về sau, mỗi khi tiếp xúc với dị nguyên thì thương tổn xuất hiện nhanh hơn. Đa số trường hợp thương tổn vượt qua giới hạn vùng da tiếp tiếp xúc với dị nguyên, có thể rải rác ở những nơi khác.
Thương tổn thứ phát
- Là mảng sẩn ngứa, dát đỏ lan tỏa và hơi thâm nhiễm ở xa thương tổn ban đầu, có tính đối xứng.
- Trên mặt các dát đỏ rải rác có các mụn nước nhỏ, hiếm hơn là hồng ban đa dạng, thương tổn hình huy hiệu.
- Trường hợp nhạy cảm có thể lan tỏa toàn thân.
- Nếu loại bỏ được nguyên nhân bệnh sẽ khỏi, khi tiếp xúc trở lại với dị nguyên cũ bệnh tái phát.
Cơ năng
- Ngứa nhiều, có thể có cảm giác nhức nhối và đau nếu bệnh nặng.
Thể lâm sàng đặc biệt theo vị trí
Viêm da tiếp xúc dị ứng ở da đầu:
- Da đỏ bong vảy khô, đôi khi bong vảy phấn nhiều, rất ngứa.
- Bệnh giảm dần sau khi ngừng tiếp xúc với dị nguyên.
Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt:
- Thường gặp, da đỏ nề, mụn nước, tiết dịch.
- Có thể do bôi trực tiếp vào da mặt các thuốc, mỹ phẩm hoặc các dị nguyên trong môi trường làm việc và sinh hoạt hoặc bị viêm da tiếp xúc do ánh nắng.
Ở mí mắt:
- Thương tổn thường phù nề, kết hợp với viêm kết mạc, nguyên nhân thường liên quan đến thuốc nhỏ mắt.
Dái tai:
- Do tiếp xúc với kim loại hay gặp là nickel ở khuyên tai, biểu hiện khi thì giống chàm khô, đỏ da bong vảy nhẹ, khi thì mụn nước, tiết dịch, bội nhiễm.
Ở môi:
- Viêm môi tiếp xúc dị ứng, thương tổn đỏ da bong vảy khô, đôi khi nứt, tiết dịch, hiếm gặp phù nề, ngứa hoặc đau rát.
Viêm da tiếp xúc dị ứng ở tay:
- Ở mu tay thường gặp nhất, biểu hiện cấp tính là những mụn nước và tiết dịch, nếu ở giai đoạn mạn tính thì khô da và bong vảy da, có thể có thương tổn móng kèmtheo.
- Thương tổn ở lòng bàn tay khó chẩn đoán vì thay đổi theo căn nguyên.
- Viêm da tiếp xúc ở đầu ngón tay hay gặp ở đầu bếp, nha sĩ do tiếp xúc với thực phẩm, hóa chất.
Ở bàn chân:
- Hay gặp ở mu bàn chân hơn so với lòng bàn chân.
- Trường hợp mạn tính thương tổn ở phần trước bàn chân thường kèm theo thương tổn móng giống như ở bàn tay.
Ở bộ phận sinh dục:
- Gây phù nề nhất là ở bìu, bao qui đầu đối với nam giới và ở môi lớn đối với nữ giới, rất ngứa
- Thương tổn khi thì có mụn nước và tiết dịch, khi thì khô.
Viêm da tiếp xúc dị ứng với chất bay hơi
- Thương tổn có thể cấp tính hoặc mạn tính phụ thuộc vào hoàn cảnh tiếp xúc, đậm độ của dị nguyên, tần xuất tiếp xúc, đa số các trường hợp có tính chất đối xứng.
- Vị trí thương tổn thường ở phần hở, cần phân biệt với phản ứng dị ứng với ánh sáng.