Các nguồn thông tin thuốc

0
762
Sử dụng kháng sinh

CÁC NGUỒN THÔNG TIN THUỐC

thông tin thuốc

Có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về thuốc, từ các cơ sở dữ liệu quốc tế, tạp chí và sách tham khảo, cho đến các nguồn thông tin quốc gia và khu vực về thuốc, các hướng dẫn điều trị, tập san.

Một số nguồn mang tính thương mại, một số nguồn khác không mang tính chất thương mại. Thông tin có thể ở dạng nói hoặc viết, ghi trên băng từ hoặc video, có trên mạng (giao tiếp tương tác với cơ sở dữ liệu máy tính trung tâm) hoặc trên đĩa CD – ROM (Compact Disk Read – Only Memory, đĩa compact mang thông tin có thể truy cập được qua máy tính).

 

Thông tin từ sách

Martindale

Cuốn dược điển đích thực (Luân đôn Dược báo) – Nguồn thông tin toàn diện:

  • Cung cấp thông tin về các loại thuốc chính và nghiên cứu công thức bào chế thuốc, địa chỉ hãng sản xuất thuốc…
  • Liều lượng chung.
  • Tóm tắt về độ ổn định và tương thích của thuốc.
  • Tóm tắt tình huống về một số phản ứng có hại của thuốc.
  • Thông tin điều trị bằng thuốc/ hiệu quả của thuốc.
  • Nguồn thông tin được sử dụng lâu bền nhất
  • Sẵn có dưới hình thức sách và đĩa CD.
  • Sách thông tin hay về thuốc của Anh và thuốc ngoại.

Thông tin dược điển Mỹ (USPDI) –  Rockville: Hội nghị Dược điển Mỹ

Rất toàn diện xuất bản hàng năm, cập nhật hàng tháng.

Dược thư quốc gia Anh (BNF)

Cuốn sách này chứa đựng các thông tin về sản phẩm công thức thuốc của Vương quốc Anh, thuốc mới, danh mục thuốc so sánh với giá. Cập nhật một năm hai lần và được công nhận là một tài liệu tham khảo về dược hữu dụng

Thông tin kê đơn gồm:

  • Chỉ định, chống chỉ định
  • Thận trọng khi sử dụng và liều dùng.

Dược thư quốc gia Việt Nam (VNDF)

Cuốn sách chứa đựng các thông tin về 16 chuyên luận chung và 500 chuyên luận  thuốc riêng và 3 phụ lục.

 

 Danh mục quốc gia về thuốc thiết yếu và các hướng dẫn điều trị

Chỉ rõ loại thuốc phù hợp cho từng tuyến điều trị (tuyến trung ương, tuyến tỉnh, trung tâm Y tế, tuyến xã). Danh mục này thường dựa trên các phương pháp điều trị được thống nhất lựa chọn để chữa các bệnh thường gặp và xác định các loại thuốc  bác sĩ kê đơn có thể sử dụng. Thông thường, các sách hướng dẫn điều trị quốc gia bao gồm thông tin quan trọng về lâm sàng (lựa chọn điều trị, liều thuốc và cách dùng, khuyến cáo, tác dụng phụ, chống chỉ định, các thuốc thay thế…)

 

 Bảng thông tin thuốc

Các ấn phẩm thường kỳ loại này rất có ích trong việc khuyến khích dùng thuốc hợp lý và được xuất bản định kỳ từ hàng tuần đến hàng quý. Các bảng thông tin thuốc là một trong những nguồn thông tin quan trọng nhất giúp bác sĩ kê đơn xác định cách dùng các thuốc mới và cập nhật kiến thức về thuốc. Bảng thông tin thuốc có thể do nhiều đối tượng tài trợ, chẳng hạn các cơ quan chính phủ, các tổ chức chuyên môn, các bộ môn của trường đại học, các tổ chức từ thiện và các hội người tiêu dùng. Loại sách này được xuất bản ở nhiều nước và thường được cung cấp miễn phí đồng thời rất có uy tín vì thông tin nêu ra thường chính xác và không bị nhiễu. Ví dụ về các ấn phẩm loại này bằng tiếng Anh là: Thuốc và bảng thông tin điều trị (Drug and Therapeutics Bulletin) của Anh, Lá thư y khoa (Medical Letter) của Mỹ, Người kê đơn Australia (Australian Prescriber) của Australia. Một ấn phẩm thông tin thuốc độc lập và có giá trị bằng tiếng Pháp là Prescrire được cung cấp miễn phí.

Các ấn phẩm thông tin thuốc xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước đang phát triển. Ưu điểm chính của các ấn phẩm thông tin thuốc quốc gia là các ấn phẩm này lựa chọn các lĩnh vực quan trọng cho quốc gia đó và sử dụng ngôn ngữ trong nước.

 

 Các tạp chí Y học

Một số tạp chí Y học là tạp chí đa khoa về y như Lancet (The Lancet), Tạp chí Y học New England (the New England Journal of Medicine) hoặc Tạp chí Y khoa Anh quốc (British Medical Journal); các tạp chí khác thường mang tính chuyên khoa sâu hơn. Đa số các nước có các tạp chí quốc gia tương tự. Các tạp chí này chứa đựng nhiều thông tin quan trọng cho người kê đơn. Các tạp chí y khoa đa khoa thường xuyên đăng các bài tổng quan về điều trị. Các tạp chí chuyên khoa có nhiều thông tin về các thuốc chuyên khoa.

Các tạp chí Y học có nội dung tốt thường theo nguyên tắc “đồng nghiệp nhận xét”
tức là tất cả các bài báo được gửi cho các chuyên gia có uy tín nhận xét trước khi được đăng.

Một số tạp chí không phải là tạp chí độc lập. Các tạp chí này thường không có giá trị và chỉ bao gồm các thông tin theo kiểu “dễ tiêu hóa”. Các tạp chí này có cùng đặc tính: miễn phí, nhiều quảng cáo hơn là bài báo, không do các tổ chức chuyên môn xuất bản, không công bố các công trình gốc, không được các chuyên gia xem xét trước khi đăng, thiếu các bài tổng quan. ở các nước công nghiệp, các tạp chí này thường được quảng cáo đến các bác sĩ với lý do “là một cách tiết kiệm thời gian”. Trên thực tế, đọc các tạp chí này mới là lãng phí thời gian vì thế mà loại tạp chí này thường bị gọi là loại “tạp chí vứt đi”. Cũng cần rất thận trọng với các phụ trương của tạp chí Y học. Nhiều khi các phụ trương này thường đăng các báo cáo tại các hội nghị được các công ty tài trợ; nhiều khi toàn bộ phụ trương cũng được tài trợ bởi các công ty này.

Vì vậy không nên nghĩ rằng tất cả các bài báo tổng quan hoặc công trình nghiên cứu được đăng đều là các công trình khoa học nghiêm túc. Hàng nghìn “tạp chí Y học” được xuất bản và có chất lượng rất khác nhau. Chỉ có một số lượng nhỏ là có chất lượng khoa học và đăng các bài báo được các chuyên gia xem xét. Nếu nghi ngờ về chất lượng khoa học của một tạp chí, hãy tìm hiểu đối tượng nào tài trợ tạp chí đó, hãy trao đổi với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn, hãy kiểm tra xem tên tạp chí này có được liệt kê trong Danh sách y khoa (Index Medicus) là cuốn sách đăng tên của tất cả các  tạp chí có uy tín hay không.

 

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : các nguồn thông tin thuốc