Cấp cứu ngừng tim phổi

0
784
Cấp cứu ngừng tim phổi

CẤP CỨU NGỪNG TIM PHỔl

Cấp cứu ngừng tim phổi

1. KHÁI NIỆM CHUNG.

Ngừng tim-phổi là trạng thái khi tim ngừng cung cấp máu nuôi cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi…Có 3 trạng thái cơ bản là: vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ.
Nó có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khỏe mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương…Nhưng cũng có thể là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận
Trong y học, người ta còn sử dụng một số thuật ngữ khác để chỉ việc cấp cứu trạng thái ngừng tim-phổi như: cấp cứu ngừng tuần hoàn, hồi sinh chết lâm sàng, hồi sinh tim-phổi, hồi sinh tim-phổi-não…

2. HẬU QUẢ SINH LÝ BỆNH CỦA THIẾU MÁU NÃO.

Bình thường lưu lượng máu não ổn định ở mức 50ml/100gr tổ chức não trong 1 phút mặc dù huyết áp động mạch có thể dao động từ 50-150 mmHg. Sở dĩ như vậy là nhờ tính tự điều hòa hệ mạch não, khi huyết áp động mạch tụt thấp, các mạch máu não giãn ra và ngược lại khi huyết áp tăng lên thì mạch máu não co lại. Tế bào não còn có thể sống được khi lưu lượng máu não > 20 ml/kg/phút, dưới ngưỡng này giãn mạch não là tối đa và sự sống của tế bào não phụ thuộc trực tiếp vào thời gian thiếu máu não. Tế bào não là tế bào đặc biệt nhất trong cơ thể, khi đã tổn thương thì không có tái tạo và bù đắp như các tế bào khác. Trong điều kiện bình thường khả năng chịu đựng thiếu oxy của não tối đa là 5 phút, vì quá thời gian này thì tổn thương tế bào não sẽ là không hồi phục. Khoảng thời gian này còn gọi là giai đoạn chết lâm sàng và việc cấp cứu nhằm cung cấp lại máu và oxy cho não phải được tiến hành trong giai đoạn này mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Quá thời gian này, các tế bào não bị tổn thương không còn khả năng hồi phục và bệnh nhân chuyển sang giai đoạn chết sinh vật hay chết não.
Trong một số trường hợp đặc biệt, khả năng chịu đựng thiếu oxy não có thể kéo dài hơn như: ngừng tim trong điều kiện hạ thân nhiệt (mổ với trường hợp tuần hoàn ngoài cơ thể – hạ thân nhiệt, ngừng tim ngoài trời băng tuyết, chết đuối trong nước lạnh…), ngừng tim mà trước đó có sử dụng các thuốc làm giảm tiêu thụ oxy não như barbituric, trẻ sơ sinh…

3. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC CẤP CỨU.

Trong điều kiện nhanh nhất có thể, cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim.
Chính vì vậy, việc cấp cứu ngừng tim-phổi cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương và đúng kỹ thuật.

4. TRIỆU CHỨNG CHẨN ĐOÁN.

Dựa vào 3 triệu chứng cơ bản sau:
+ Mất ý thức: được xác định khi bệnh nhân gọi hỏi không có đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh.
+ Ngừng thở: xác định khi lồng ngực và bụng bệnh nhân hoàn toàn không có cử động thở.
+ Ngừng tim: khi mất mạch cảnh và mất mạch bẹn.
Ngoài ra bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như: tím nhợt, giãn đồng tử và mất phản xạ đồng tử với ánh sáng, nếu bệnh nhân đang được phẫu thuật sẽ thấy máu ở vết mổ tím đen và ngừng chảy