Dịch tễ học ngộ độc thực phẩm

0
847
Những thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu protein.

Ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng thực phẩm nhiều khi rất khó phân biệt, chúng thường lồng vào nhau nên người ta còn gọi là nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn. Tuy nhiên, về mặt dịch tễ học của NĐTP, có thể phân biệt được với nhiễm trùng thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm

1. Khởi bệnh bùng nổ ở mức độ cao

  • Các trường hợp NĐTP bùng nổ nhanh và cao trong vòng 4 – 18 giờ, hầu hết các trường hợp đều biểu hiện. Quy luật chung là không có trường hợp thứ phát.
  • Trong trường hợp nhiễm khuẩn do thực phẩm: Các trường hợp tăng lên theo thời gian nung bệnh thông thường và có thể xuất hiện các trường hợp thứ phát.

2. Phơi nhiễm chung

  • Thông thường có thể xác định được số phơi nhiễm chung (ví như một bữa tiệc, một đám cưới, đám ma hoặc một thức ăn nào đó mà số người cùng ăn phải).
  • Bệnh chỉ hạn chế trong số những người ăn phải thức ăn nghi ngờ có tác nhân gây độc.

3. Không có trường hợp thứ phát

  • NĐTP theo quy luật chung là không có trường hợp thứ phát, tức là không lây truyền từ người này qua người khác.
  • Một lần bùng nổ, tất cả các ca mắc bệnh đều trực tiếp do ăn cùng 1 loại thực phẩm gây ra.

4. Triệu chứng điển hình

  • Số người bị ngộ độc thực phẩm trong 1 lần bùng nổ cơ bản có biểu hiện lâm sàng giống nhau

5. Giai đoạn ủ bệnh bao giờ cũng ngắn

  • Đối với NĐTP do liên cầu khuẩn: Thường từ 2 – 4 giờ
  • Do Salmonella thường từ 12 – 24 giờ
  • Do Clostridium botulinum hoặc thức ăn bị biến chất, thời gian ủ bệnh càng ngắn hơn, trong phạm vi một vài phút.

6. Ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện đột ngột và kết thúc nhanh chóng

  • Đặc điểm này làm ta phân biệt khác với các vụ dịch có thời gian tăng dần lên và trước khi kết thúc có thời gian giảm dần xuống.

7. Điều kiện địa lý, phong tục tập quán ăn uống, điều kiện sinh hoạt, sản xuất khác nhau thì sự phát sinh NĐTP cũng không giống nhau

  • Tuỳ từng lúc, từng nơi, sẽ có nhiều thể nhiều loại NĐTP khác nhau
  • Ví dụ: Ngộ độc do vi sinh vật chủ yếu hay xảy ra mùa hè, ngộ độc do ăn phải rau dại, nấm độc thường ở miền núi, do cá nóc hay ở vùng biển.

8. Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật thường chiếm tỷ lệ cao

  • Thường khoảng 50% các vụ NĐTP
  • 25% là do hoá chất
  • 15% do thức ăn có sẵn chất độc
  • 10% là do thức ăn bị biến chất.
  • NĐTP do vi sinh vật chủ yếu do thịt và cá là nguồn gây bệnh.
  • Những vùng ăn nhiều sữa, thì do sữa có thể chiếm tỷ lệ cao hơn.
  • Tuy tỷ lệ NĐTP do vi sinh vật chiếm tỷ lệ cao nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp, ngược với NĐTP không phải do vi sinh vật, tuy tỷ lệ thấp hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.

9. NĐTP phụ thuộc vào thời điểm khí hậu rõ rệt

  • NĐTP thường xảy ra vào mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó từ tháng 6 đến tháng 9 là nhiều hơn cả, vì nhiệt độ trong thời gian này thích hợp cho vi sinh vật phát triển mạnh.
  • Ngộ độc do cá cũng phụ thuộc vào mùa liên quan đến đánh bắt thuỷ sản.

10. Khi đã tìm ra nguyên nhân

Tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
  • Có thể cách ly các hoá chất, chất độc, hay những vi sinh vật từ những thức ăn nghi ngờ hoặc chất thải của nạn nhân.
  • Vấn đề khó khăn của các nhà dịch tễ học là ở chỗ, thức ăn gây bệnh đã bị tiêu hoá hoặc đổ đi trước khi kịp tiến hành điều tra, chất nôn hoặc phân của bệnh nhân cũng có thể bị đổ đi trước khi người ta nghĩ đến phải lấy mẫu.
  • Do đó, việc tổ chức “ tủ lưu mẫu thức ăn” 24 giờ là cần thiết.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Dịch tễ ngộ độc thực phẩm