Sẩn ngứa là bệnh da thường gặp, do phản ứng viêm xuất tiết xuất hiện ở vùng lớp trung bì nông với sự thâm nhiễm của tế bào lympho và bạch cầu đa nhân trung tính.
Contents
NGUYÊN NHÂN
- Mặc dù một số trường hợp có nguyên nhân cụ thể, nhưng nhiều trường hợp không phát hiện được nguyên nhân.
- Côn trùng đốt, kích thích về cơ học, vật lý, ánh sáng, dị ứng thức ăn, hóa chất gây giải phóng histamin được cho là cơ chế gây bệnh.
- Sẩn ngứa cũng là biểu hiện của viêm da cơ địa.
- Sẩn ngứa cũng kèm theo một số bệnh như các khối u lympho Hodgkin hoặc bạch cầu cấp.
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
+ Sẩn phù dạng mày đay.
+ Sẩn huyết thanh.
+ Mụn nước: xuất hiện trên sẩn phù, sẩn hoặc mảng đỏ, mụn nước có thể vỡ gây tiết dịch và đóng vảy tiết.
+ Sẩn cục: tổn thương sẩn chắc, màu đỏ nâu hoặc xám. Kích thước từ 1 đến 2 cm.
+ Vết xước do cào gãi.
+ Tổn thương rải rác, chủ yếu vùng da hở.
Phân loại thể, mức độ
Thể cấp tính
+ Tổn thương chủ yếu là sẩn phù và mày đay, trên tổn thương có mụn nước, vỡ gây tiết dịch.
+ Thể cấp tính hay gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè.
- Nhiễm trùng thứ phát xuất hiện do trẻ gãi, chà xát.
- Nguyên nhân hay gặp do viêm da cơ địa, quá mẫn với các phản ứng côn trùng đốt hoặc với thức ăn.
Thể bán cấp
+ Sẩn nổi cao, trên có mụn nước hoặc vết trợt hoặc vảy tiết do chà xát kèm ngứa nhiều.
- Vị trí gặp ở mặt duỗi các chi hoặc thân mình.
- Tiến triển của bệnh dai dẳng và có thể mạn tính.
+ Nguyên nhân của thể bán cấp đôi khi khó phát hiện.
- Các bệnh lý có thể gặp là viêm da cơ địa, đái đường, rối loạn chức năng gan, u lymho, bệnh bạch cầu, u lympho Hodgkin, các khối u nội tạng, gút, suy thận hoặc mang thai, stress tâm lý.
Thể mạn tính:
Có thể được chia thành 2 dưới nhóm:
+ Sẩn ngứa mạn tính đa dạng:
- Người bệnh ngứa nhiều, chà xát, gãi hình thành các vết trợt, xước trên bề mặt mảng lichen hóa.
- Vị trí hay gặp ở thân mình và chân ở người lớn tuổi.
- Hay tái phát và tiến triển dai dẳng.
+ Sẩn cục:
- Người bệnh ngứa nhiều, chà xát, gãi tạo các vết trợt, vảy tiết đen trên bề mặtsẩn.
- Gặp ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ lớn tuổi.
- Vị trí hay gặp ở chi.
- Tổn thương tiến triển dai dẳng, có thể kéo dài hàng năm.
Sẩn ngứa phụ nữ có thai:
- Xuất hiện ở phụ nữ có thai vào tháng thứ 3 hoặc thứ 4.
- Vị trí ở chi hoặc thân mình.
- Tổn thương giảm đi sau khi sinh.
- Bệnh có xu hướng xuất hiện trở lại với các lần mang thai sau.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc chung
- Tìm nguyên nhân để loại bỏ
- Điều trị tùy từng giai đoạn
- Hạn chế gãi, chà xát
Điều trị cụ thể
Corticosteroid bôi:
Tùy vào vị trí và mức độ tổn thương có thể sử dụng các thuốc sau:
+ Hydrocortison, desonid, clobetason
+ Betamethason
+ Triamcinolon acetonid
+ Fluocinolon acetonid
+ Clobetasol propionat
Bôi thuốc 1-2 lần/ ngày, cần lưu ý các tác dụng phụ như teo da, giảm sắc tố, dễ nhiễm trùng.
Kháng histamin uống
+ Thế hệ 1:
- Promethazin
- Clorpheniramin
- Hydroxyzin
+ Thế hệ 2:
- Loratadin
- Cetirizin
- Levocetirizin
- Fexofenadin
- Desloratadin
- Tránh côn trùng đốt:
- DEP
- Permethrin 5%
- Crotamiton 10%.
Loại bỏ thức ăn gây quá mẫn.
Kem chống nắng:
- Áp dụng cho sẩn ngứa liên quan đến ánh nắng.
- Sử dụng kem chống nắng chống cả tia UVA và UVB.
Thuốc ức chế miễn dịch điều trị trong thời gian ngắn:
- Cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa
Quang trị liệu và quang hóa trị liệu.
TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Bệnh lý lành tính.
- Chà xát nhiều gây dày sừng, sẩn chắc tiến triển mạn tính.
PHÒNG BỆNH
- Tránh các yếu tố kích thích như thức ăn, thuốc.
- Sử dụng chất giữ ẩm thường xuyên.
- Tránh chà xát lên các tổn thương.
- Hạn chế ra nắng, mặc quần áo bảo vệ đối với sẩn ngứa do ánh sáng.