KÉM HẤP THU. TÓM LƯỢC SINH LÝ RUỘT NON

0
727
kém hấp thu
kém hấp thu

Triệu chứng lâm sàng và các biến đổi sinh học trong hội chứng kém hấp thu (KHT) rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí bất thường về hấp thu (trong lòng ruột, thành ruột hoặc ở mức tế bào). Người thầy thuốc lâm sàng cần phải biết lưu ý đến KHT này trước một số triệu chứng đa dạng có thể khiến bệnh nhân đến khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau ngoài chuyên khoa tiêu hóa. Việc hỏi bệnh sử, phát hiện các triệu chứng và chỉ định một số xét nghiệm đơn giản rất quan trọng để định hướng cho các xét nghiệm chuyên khoa và các thăm dò chức năng sâu hơn, từ đó giúp chẩn đoán nguyên nhân và điều trị tốt hơn.

 

 TÓM LƯỢT SINH LÝ RUỘT NON

Ở ruột non, thức ăn được nhào trộn với dịch tụy, mật và dịch ruột. Sự tiêu hóa thức ăn bắt đầu ở miệng và dạ dày sẽ được hoàn tất trong lòng ruột và trong các tế bào niêm mạc ruột non. Sau đó các sản phẩm tiêu hóa được hấp thu cùng với các vitamin, các chất điện giải và nước.

1. Hiện tượng cơ học

Những vận động của ruột non bao gồm:

  • Vận động lắc lư: có tác dụng khuấy thức ăn.
  • Co bóp phân đoạn: Khi ruột non bị làm căng ra bởi thức ăn, các co bóp đồng tâm sẽ xuất hiện ở những khoảng nhất định của ruột non, chiều dài mỗi co bóp khoảng 1 cm. Co bóp phân đoạn có tác dụng thúc đẩy sự nhào trộn thức ăn với các dịch ở ruột.
  • Co bóp nhu động: Khi thành ruột căng ra, một co bóp vòng (co bóp nhu động) được tạo ra ở phía sau điểm kích thích và vận động dọc theo ruột về phía hậu môn. Co bóp này xuất hiện là do các phản xạ ruột tại chỗ, các phản xạ dạ dày – ruột, ngoài ra còn do ảnh hưởng của một số hormone như gastrin, cholecystokinin, insulin, serotonin.
  • Vận động của nhung mao: Chịu ảnh hưởng của hormon

Vận động của ruột non chủ yếu chịu sự điều hòa của hệ thần kinh ruột (đám rối Auerbach) và tương đối độc lập với các dây thần kinh từ ngoài đến ruột.

2. Sự bài tiết dịch vào ruột non

2.1. Dịch tụy

  • Dịch tụy được bài tiết từ các nang tụy và các ống nhỏ. Sản phẩm của tuyến tụy ngoại tiết chảy vào ống Wirsung, vào bóng Vater rồi vào tá tràng qua cơ vòng Oddi.
  • Dịch tụy chứa nhiều bicarbonate nên rất kiềm, đặc biệt chứa các enzyme tiêu hóa protein, glucid và lipid:

+ Enzyme tiêu hóa protein gồm: trypsin, Chymotrypsin, carboxypolypeptidase;

+ Enzyme tiêu hóa glucid là alpha-amylase;

+ Enzyme tiêu hóa lipid gồm: lipase, cholesterol ester hydrolase, phospholipase A.

  • Sự bài tiết dịch tụy được điều khiển bởi các cơ chế sau:

+ Cơ chế thần kinh: đó là vai trò của dây X và hệ thần kinh ruột;

+ Cơ chế hormone: do các hormone như gastrin, cholecystokinin (CCK) và secretin.

2.2. Dịch mật

Mỗi ngày các tế bào gan bài tiết liên tục khoảng 700 – 1200ml mật. Mật được đổ vào tá tràng hoặc theo ống túi mật đồ vào túi mật để dự trữ (khi nào cần đến sẽ đổ vào tá tràng).

Sự bài xuất mật từ túi mật vào tá tràng được thực hiện nhờ sự co bóp của túi mật và sự giãn ra của cơ vòng Oddi. Có hai cơ chế điều hòa sự bài xuất mật là:

  •  Cơ chế thần kinh: Kích thích dây X và hệ thần kinh ruột sẽ làm co bóp túi mật;
  • Cơ chế hormone: Mỡ trong thức ăn kích thích niêm mạc tá tràng và phần trên hỗng tràng tiết hormone cholecystokinin làm túi mật co bóp và làm giãn cơ vòng Oddi, do đó mật được bài xuất vào tá tràng. Nhu động ruột cũng góp phần làm giãn cơ vòng Oddi.

Thành phần chủ yếu của dịch mật là muối mật, ngoài ra còn có bilirubin, cholesterol, lecithin và chất điện giải.

Tác dụng của muối mật là nhũ tương hóa mỡ, giúp hấp thu các acid béo, monoglycerid, cholesterol và các lipid ở ruột non.

2.3. Dịch ruột

  • Ruột non có hai loại tuyến là:

+ Tuyến Brunner bài tiết chất nhầy để bảo vệ thành tá tràng khỏi tác dụng dịch tiêu hóa;

+ Tuyến Liberkun bài tiết dịch ruột có thành phần như dịch ngoại bào, lưu lượng 1800ml/ngày.

  • Các tế bào biểu mô niêm mạc ruột chứa các enzyme tiêu hóa như sau:

+ Các peptidase cắt peptid thành các acid amin;

+ Các enzyme tiêu hóa chuyển disaccarid thành monosaccarid như maltase, saccharase, lactase;

+ Lipase phân giải mở trung tính.

  • Sự bài tiết dịch ruột được điều hòa theo hai cơ chế:

+ Cơ chế thần kinh: Thức ăn trong ruột non kích thích phản xạ thần kinh ruột tại chỗ để kích thích bài tiết dịch ruột;

+ Cơ chế hormone: do secretin.

3. Sự hấp thu ở ruột non

Hấp thu glucid: chủ yếu dưới dạng monosaccarid và một phần nhỏ dưới dạng disaccarid. Các monosaccarid được hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực thứ phát và cơ chế khuếch tán được tăng cường.

Hấp thu protein: dưới dạng dipeptid, tripeptid hoặc acid amin theo cơ chế đồng vận chuyển với Na+.

Hấp thu lipid: các sản phẩm tiêu hóa cuối cùng của mỡ trung tính là acid béo và monoglycerid, cả hai được hòa tan trong các hạt mixen để được vận chuyển đến diềm bàn chải rồi khuếch tán vào trong tế bào biểu mô. Trong tế bào này sẽ có sự hình thành chylomicron để khuếch tán ra cạnh tế bào rồi vận chuyển vào khoảng kẽ theo cơ chế xuất bào.

Hấp thu vitamin: hầu hết được hấp thu ở tá tràng và hồng tràng, riêng B12 được hấp thu ở hồi tràng.

Hấp thu nước: theo lực thẩm thấu.

Hấp thu các chất điện giải: Na+ được khuếch tán theo bậc thang nồng độ, cr được hấp thu theo cơ chế khuếch tán thụ động theo Na+, HCO3- được hấp thu một cách gián tiếp. Ngoài ra các ion khác như Ca2-, Fe2+, K+, Mg2+, HPO4- đều được hấp thu tích cực.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com