Khái quát về các dòng bạch cầu trong máu

0
1443
tế bào máu

Bạch cầu hạt trung tính: (1100 – 7000/ mm3)

tế bào máu
  • Bạch cầu hạt trung tính chứa nhiều enzym thuỷ phân. Vai trò của chúng là thực bào. Một bạch cầu hạt trung tính có thể thực bào từ 5 – 20 vi khuẩn.
  • Tăng bạch cầu đa nhân trung tính (trên 70%, có thể tới 95%) gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính: viêm phổi, viêm ruột thừa, viêm amidan, các bệnh gây mủ, apxe, nhọt… Giảm bạch cầu đa nhân trung tính (< 1500/ mm3) có thể do giảm sinh sản hoặc do tăng cường phá huỷ. Gặp trong một số bệnh nhiễm khuẩn như thương hàn, cúm, sởi, HIV, sốt rét hoặc do một số thuốc tác động trên tổng hợp DNA (phenothiazin, phenytoin, kháng sinh, sulfonamid), các thuốc diệt tế bào dùng trong ung thư, do đặc ứng với thuốc (cloramphenicol, phenylbutazon, quinidin). Có thể có tăng cường phá huỷ bạch cầu đa nhân trung tính do cơ chế miễn dịch đối với bệnh nhân dùng aminopyrin, phenylbutazon, sulfapyridin. Một trạng thái nặng là chứng mất bạch cầu hạt (agranulocytosis) biểu hiện bằng sự giảm đột ngột bạch cầu hạt rất nặng (< 200/ mm3) kèm với sốt, loét, hoại tử niêm mạc miệng, họng… Mất bạch cầu hạt gặp trong trường hợp tuỷ xương bị tổn thương nặng (suy tuỷ) do nhiễm trùng, nhiễm độc.

 

Bạch cầu đa nhân ưa acid (bạch cầu ưa eosin  = 0 – 400/ mm3).

Cũng có khả năng thực bào nhưng yếu hơn nhiều so với bạch cầu đa nhân trung tính. Tăng trong các bệnh dị ứng, hen, eczema, các bệnh ký sinh trùng như giun, sán. Giảm trong các trường hợp: trạng thái sốc, bệnh Cushing, các trạng thái tuỷ xương bị thương tổn hoàn toàn.

Bạch cầu đa nhân ưa bazơ (0 – 150/ mm3).

Rất hiếm gặp trong máu. Chúng không có khả năng vận động và thực bào. Chúng cũng có vai trò trong dị ứng: Kháng thể của các phản ứng dị ứng là IgE thường gắn trên màng của bạch cầu ưa bazơ và tế bào mastocyt của mô (mastocyt được coi là bạch cầu ưa bazơ tại mô). Khi kháng nguyên đặc hiệu phản ứng với kháng thể này sẽ làm cho những bạch cầu ưa bazơ, có gắn IgE bị vỡ và giải phóng một số lượng lớn histamin, bradinin, serotonin… Chính những chất này gây ra các phản ứng tại chỗ như phù, mẩn, ngứa, đau. Bạch cầu đa nhân ưa bazơ tăng trong các trạng thái tăng mẫn cảm, thiểu năng tuyến giáp và giảm trong điều trị corticoid dài ngày.

Bạch cầu mono (200 – 700/ mm3)

Sau khi được sinh ra trong tuỷ xương, bạch cầu mono vào máu một thời gian ngắn rồi đi vào các mô, nhanh chóng trở thành đại thực bào. ở máu bạch cầu mono là những tế bào chưa trưởng thành nên không có khả năng tấn công và phá huỷ các tác nhân gây bệnh. Như vậy bạch cầu mono và đại thực bào là những giai đoạn khác nhau của cùng một loại tế bào và họp thành hệ thống trước đây gọi là võng nội mô nay là hệ thống đại thực bào của mô. Đại thực bào gắn với mô gọi là đại thực bào cố định, ở đấy hàng tháng, hàng năm. Chúng có thể rời khỏi mô để trở thành đại thực bào lưu động đi đến các vùng viêm nhiễm theo cơ chế hoá ứng động: Chức năng của chúng là thực bào, một đại thực bào có thể nuốt tới 100 tế bào vi khuẩn, ăn hồng cầu già, bạch cầu trung tính bị chết, ký sinh trùng, mô hoạt tử… Chúng còn có vai trò trong khởi động qúa trình miễn dịch. Cụ thể là khi vi khuẩn, virus hoặc tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, các đại thực bào sẽ thực bào và tiêu hoá chúng thành những sản phẩm còn giữ được khả năng hoạt hoá quá trình miễn dịch, nghĩa là kích thích tế bào lympho B sản xuất kháng thể đặc hiệu để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.

Bạch cầu mono tăng trong nhiễm khuẩn cấp tính và mạn tính (lao, cúm, thương hàn, nấm, viêm gan, ung thư…) trường hợp giảm ít gặp. Có thể thấy sau khi tiêm cortison.

Bạch cầu lympho (1500 – 3000/ mm3)

Là những tế bào có khả năng miễn dịch. Có 2 loại: lympho B có chức năng miễn dịch thể dịch, sản xuất ra các kháng thể lưu động trong máu để tấn công các tác nhân gây bệnh. Lympho T có chức năng miễn dịch tế bào. Một khi bị kích thích, chúng trở thành các lympho cảm ứng, tham gia tiêu diệt các tác nhân xâm nhập. Đa số các tế bào lympho khu trú ở lách, các mô bạch huyết. Các lympho lưu động trong máu chỉ chiếm dưới 5% tổng số các tế bào này của toàn cơ thể. Sự tăng giảm của lympho thường cũng thay đổi trong một số bệnh nhiễm virut và nhiễm khuẩn (viêm khớp, phản ứng quá mẫn với thuốc (phenytoin, acid p – amino salicylic…). Khi số lượng lympho giảm nhiều, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Suy giảm miễn dịch có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải (như do hoá chất dùng trong ung thư, do các chất ức chế miễn dịch dùng trong ghép mô, nhiễm xạ, nhiễm HIV).

copy ghi nguồn : Daihocduochanoi.com

Link tại : Khái quát về các dòng bạch cầu trong máu