Liều lượng và tác dụng của thuốc

0
956
THUỐC ỨC CHẾ MAO KHÔNG CHỌN LỌC

Liều lượng và tác dụng của thuốc

Liều lượng thuốc

Liều lượng thuốc là lượng thuốc được đưa vào cơ thể để phòng bệnh, chẩn đoán hoặc điều trị. Tùy theo cường độ tác dụng của thuốc người ta có thể dùng liều ở hàng đơn vị pg, mg hoặc ctg/ kg thể trọng. Đối với một số thuốc liều được tính theo đơn vị sinh học. (Đơn vị sinh học là một lượng thuốc được xác định qua một tác dụng sinh học so với chất chuẩn).

Đơn vị liều thường tính theo khối lượng hoặc đơn vị sinh học nhưng cách phân loại liều có thể khác nhau tùy theo quan điểm sử dụng. Liều ngưỡng là: Mức thấp nhất gây ra đáp ứng. Liều được dùng trong điều trị (liều điều trị) thường là liều có tác dụng trên 50% cá thể (ED50). Liều tối đa là liều cao nhất được sử dụng, nếu vượt quá liều đó có thể gây nguy hại cho người bệnh (đặc biệt đối với các thuốc độc, các thuốc có hoạt tính cao). Những trường hợp cần nhanh chóng có nồng độ cao của thuốc ở nơi tác dụng, đầu tiên người ta dùng liều tương đối cao đó là liều tấn công, sau đó dùng liều thấp hơn để duy trì tác dụng gọi là liều duy trì. Trong nghiên cứu thực nghiệm người ta còn dùng liều chết: LD50 là liều gây chết 50% súc vật thí nghiệm, LD100 (liều chết tuyệt đối) là liều gây chết 100% súc vật thí nghiệm. Ngoài ra có thể phân loại liều theo thời gian dùng thuốc: liều 1 lần, liều 1 ngày (24 giờ); đối với một số thuốc còn quy định liều cho một đợt điều trị (kháng sinh, thuốc gây tích lũy, một số hormon v.v…).

Liều lượng và tác dụng của thuốc

Mức độ tác dụng của thuốc phụ thuộc vào số lượng receptor tương tác với thuốc, phụ thuộc vào nồng độ thuốc ở nơi tác dụng. Giữa nồng độ thuốc ở nơi tác dụng và nồng độ thuốc trong huyết tương cũng như liều lượng thuốc luôn luôn có mối tương quan nhất định. Vì vậy khi nghiên cứu tác dụng của thuốc có thể khảo sát mối liên quan trực tiếp giữa liều lượng VỚI tác dụng. Nói chung đối với mỗi bệnh nhân, tác dụng của thuốc sẽ tăng khi tăng liều lượng, nhưng về mặt ý nghĩa điều trị không phải bao giờ tăng liều cũng có lợi vì đi kèm với việc tăng liều là những tác dụng phụ, thậm chí gây độc cho cơ thể. Cho nên tùy từng trường hợp cụ thể dùng liều cho thích hợp để thu được hiệu quả điều trị cao nhưng lại an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên để tiện sử dụng trong lâm sàng và để có cơ sở ban đầu cho việc điều chỉnh liều người ta dựa vào liều gây đáp ứng trung bình 50% đối tượng trong quần thể (ED50). Trong thực nghiệm khi thay đổi chỉ tiêu quan sát là tác dụng bằng chỉ tiêu súc vật chết người ta có LD50. Mức độ an toàn của thuốc được biểu thị qua chỉ số điều trị I:

I = LD50/ED50

I (therapeutic index): chỉ số điều trị

LD50 (lethal dose50): liều gây chết 50% súc vật thí nghiệm

ED50 (effective dose50): liều tác dụng 50% súc vật thí nghiệm

Về nguyên tắc nên sử dụng những thuốc có chỉ số an toàn cao (thông thường I >10). Tuy nhiên ngoại lệ có những thuốc chỉ số an toàn thấp nhưng tác dụng điều trị tốt và chưa có thuốc thay thế thì vẫn sử dụng nhưng với sự cẩn trọng hơn. Ví dụ chỉ số an toàn của glycosid tim rất thấp (vào khoảng 2) nhưng hiệu quả điều trị suy tim của chúng rất tốt chưa có thuốc nào có thể thay thế nên vẫn được sử dụng.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link tại : Liều lượng và tác dụng của thuốc