Nội soi tiêu hóa. Kỹ thuật nội soi dạ dày tá tràng

0
1546
nội soi tiêu hóa

NỘI SOI TIÊU HÓA

nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa bằng ống soi sợi mềm đã tạo ra một cuộc cách mạng trong chuyên ngành tiêu hóa gan mật. Nội soi không chỉ giúp chẩn đoán sớm và chính xác các thương tổn của ống tiêu hóa mà còn có các ứng dụng tốt trong điều trị. Bên cạnh các kỹ thuật nội soi dạ dày và đại tràng cổ điển, các kỹ thuật nội soi mới hơn cũng đã và đang được nghiên cứu áp dụng như nội soi đường mật tụy, nội soi ruột non và nội soi nhuộm màu. Trong phạm vi bài giảng đại cương này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một cách sơ lược các khái niệm cơ bản về một số kỹ thuật nội soi thông thường.

1. Kỹ thuật nội soi dạ dày tá tràng

1.1. Chỉ định và chống chỉ định

1.1.1. Chỉ định
a. Nội soi dạ dày trong chẩn đoán
Nội soi chẩn đoán có thể thực hiện soi cấp cứu hoặc soi theo kế hoạch. Các chỉ định bao gồm:
– Xuất huyết tiêu hóa: Tất cả các trường hợp xuất huyết tiêu hóa cao chưa xác định được nguyên nhân;
– Các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng như viêm thực quản, giãn tĩnh mạch thực quản, áp xe thực quản, u thực quản, loét thực quản, ung thư thực quản, thoát vị hoành, hội chứng Barrette;
– Đau thượng vị, nôn mửa chưa rõ nguyên nhân;
– Chẩn đoán các bệnh lý dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày, polyp dạ dày, u lympho ác tính dạ dày.
Chẩn đoán các bệnh lý tá tràng như viêm tá tràng, loét tá tràng, túi thừa tá tràng, polyp tá tràng.
– Hẹp môn vị.
– Giun chui ống mật.
– Thiếu máu không rõ nguyên nhân, sút cân không rõ nguyên nhân.
– Với bệnh lý đường mật: chụp đường mật tụy ngược dòng qua nội soi là một trong những phương pháp tốt hiện nay để xác định sỏi đường mật.
Ngày nay qua nội soi người ta sinh thiết vùng hang vị và thân vị để
làm các test chẩn đoán HP hoặc nhuộm và soi tìm HP.
b. Nội soi điều trị
– Xuất huyết tiêu hóa cao:
+ Soi dạ dày được chỉ định trong các trường hợp chảy máu tiêu hóa để xác định nguyên nhân, tình trạng chảy máu tiếp diễn hay đã cầm và đặc biệt là để giúp điều trị cầm máu qua nội soi. Nếu chảy máu từ tĩnh mạch trướng thực quản chúng ta có thể chích xơ cầm máu hoặc thắt bằng vòng trun qua nội soi, làm đông máu khi tổn thương đang chảy máu hay ngừa xuất huyết, tái xuất huyết đối với các tổn thương có nguy cơ chảy máu cao bằng điện động, nhiệt đông, laser, chích xơ qua nội soi.
+ Nếu chảy máu từ ổ loét dạ dày tá tràng chúng ta có thể chích cầm máu tại chỗ, dùng dùng kẹp cầm máu.
– Lấy dị vật ở thực quản, dạ dày, tá tràng do nuốt phải các dị vật như các áo, đồng xu, mảnh kim loại, răng giả và một số các đồ vật khác mà trẻ em hoặc người già lú lẫn hay nuốt vào
– Các trường hợp viêm teo thực quản hoặc di chứng sẹo bỏng thực quản bằng acid mạnh hoặc kiềm mạnh do vô tình hoặc cố ý uống phải, qua nội soi người ta có thể nong thực quản trong những trường hợp này.
– Hẹp thực quản: nong thực quản, đặt xông, điều trị tắc thực quản do ung thư bằng laser.
– Cắt polyp: cắt các polyp bằng quai thấu nhiệt, nếu polyp nhỏ thì cắt bằng kiềm sinh thiết.
– Sinh thiết, xét nghiệm tế bào học: sinh thiết hoặc chải lấy tế bào, trong ung thư thường sinh thiết nhiều mảnh, một số ở gần rìa tổn thương, một số ở các vị trí xa hơn mục đích xem độ lan rộng của ung thư để giúp phẫu thuật viên xác định cách mổ thông thường khi nội soi nghi ngờ ung thư nên sinh thiết từ 6 đến 8 mảnh. Ngoài ra trong một số trường hợp dùng bàn chải sinh học chải trên bề mắt tồn thương mục đích tìm các tế bào rơi rụng sau đó hút ra ống, quay ly tâm lấy phần cặn đem nhuộm rồi đọc như trong phương pháp Papanicolaou.
– Cắt cơ vòng Oddi: Để mở rộng cơ vòng Oddi trong trường hợp viêm xơ gây chít hẹp, ngoài ra nội soi cũng áp dụng để đưa Dormia vào ống mật chủ để gắp sỏi mật hoặc gắp giun hay đặt ống dẫn lưu đường mật.
– Mở thông dạ dày qua da: Thường dùng trong ung thư thực quản hay xơ cứng bì để nuôi dưỡng bệnh nhân khi bệnh nhân không nuốt được.
1.1.2. Chống chỉ định
a. Các chống chỉ định tuyệt đối bao gồm:
– Các bệnh lý ở thực quản có nguy Cơ làm thủng thực quản như bỏng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản;
– Các trường hợp nghi ngờ thủng dạ dày tá tràng;
– Nhồi máu cơ tim gần đó, rối loạn nhịp tim nặng, phồng giãn động mạch chủ, suy tim, suy hô hấp, cơn cao huyết áp, khó thở do bất cứ nguyên nhân gì, cổ trướng quá nhiều.
b. Các chống chỉ định tương đối
– Những bệnh nhân không tỉnh táo, rối loạn về tâm thần;
– Bệnh nhân quá già yếu và suy nhược;
– Dấu hiệu sinh tồn không ổn định, tụt huyết áp, suy hô hấp;
– Túi thừa Zenker lớn;
– Bệnh nhân không hợp tác.
Ghi chú: Tất cả các chống chỉ định này chúng ta phải cân nhắc nhiều yếu tố để có một quyết định thích hợp cho từng hoàn cảnh.
– Lợi ích nhận được khi soi.
– Khả năng tai biến xảy ra.
– Diễn tiến nếu bệnh nhân không được soi.

1.2. Tai biến

Các tai biến của soi dạ dày bằng ống nội soi thủy tinh sợi mềm rất hiếm gặp nhưng cũng có một số tai biến cần phải nhớ để dễ dàng xử trí.
– Thủng thực quản.
– Thủng dạ dày.
– Chảy máu:
+ Thực quản: do giãn tĩnh mạch thực quản vỡ.
+ Dạ dày: có thể chảy máu dạ dày tái phát sau khi soi, có thể do sinh thiết dạ dày làm thủng một mạch máu lớn gây ra.
– Một số tai biến khác:
+ Tai biến hô hấp nặng: Khi soi dạ dày trong cấp cứu chảy máu tiêu hóa máu có thể trào ngược vào phổi. Có thể giảm oxy máu do khi nuốt ống làm giảm thông khí phổi nhất là ở những người có bệnh phổi mạn tính.
+ Tai biến tim mạch: Rối loạn nhịp tim, có thể xảy ra nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân lớn tuổi có suy mạch vành.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Nội soi tiêu hóa. Kỹ thuật nội soi dạ dày tá tràng