BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH.

0
508
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh COPD.

1.Định nghĩa:

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay còn gọi là COPD: Chronic obstructive pulmonary disease) là tình trạng bệnh có hạn chế thông khí mà không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Sự hạn chế thông khí thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khi độc hại.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm viêm phế quản mạn và khí phế thũng.

-Viêm phế quản mạn tính: là tình trạng viêm lớp niêm mạc của các phế quả làm cho lớp lót trong các phế quản phổi bị đỏ, sưng và chứa đầy các chất nhầy. Chất nhầy này làm hẹp đường thở dẫn đến hạn chế thông khí.

-Khí phế thũng(hay còn gọi là giãn phế nang): là tình trạng căng giãn thường xuyên và phá huỷ không hồi phục ở thành của các phế nang. Khi phế nang bị phá hủy, quá trình thải CO2 và hấp thu O2 sẽ trở nên khó khăn hơn và do đó, bạn sẽ cảm thấy khó thở hơn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

 

2.Các yếu tố nguy cơ:

-Hút thuốc lá:  Không phải tất cả người hút thuốc lá đều bi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khoảng 15 – 20% người hút thuốc lá bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 85 – 90% bênh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do thuốc lá. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh nhất là trẻ am và phụ nữ có thai, hút thuốc lá thụ động cũng là nguy cơ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh COPD.

-Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên lúc còn nhỏ cũng có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở sau này.

-Bụi và chất hoá học nghề nghiệp: như hơi nước, chất kích thích, khói bụi có thể gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, độc lập với hút thuốc lá.

-Ô nhiễm môi trường: như các nhiên liệu, chất đốt cháy từ nấu ăn và hơi nóng là những yếu tố gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

-Chế độ dinh dưỡng lúc còn nhỏ: chế độ dinh dưỡng kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức đề kháng của cơ thể.

-Yếu tố cơ địa.

3.Cơ chế bệnh sinh:

Cơ chế bệnh sinh của COPD rất phức tạp, hiện nay có 1 số giả thuyết:

-Tăng đáp ứng viêm của đường thở: COPD đặc trưng bởi viêm mạn tính toàn bộ đường dẫn khí, nhu mô phổi và mạch máu phổi. Tập trung các tế bào viêm đặc biệt là bạch cầu lympho (nổi trội là CD8) và bạch cầu đa nhân trung tính ở niêm mạc đường thở. Các tế bào viêm hoạt hóa giải phóng nhiều các chất trung gian hóa học gồm: Leucotrien(LTB4), Interleukin 8(IL-8), yếu tố hoại tử u alpha(TNF-alpha) có khả năng phá hủy cấu trúc nhu mô phổi hoặc duy trì tình trạng viêm bạch cầu đa nhân trung tính.

-Mất cân bằng giữa protease và kháng protease là cơ chế bệnh sinh quan trọng nhất làm phát triển khí phế thũng và mất đàn hồi không hồi phục. Trong COPD, căn bằng nghiêng về hướng tăng ly giải protein hoặc do tăng protease hoặc do giảm kháng protease.

-Mất cân bằng oxy hóa và kháng oxy hóa: các dấu ân kích hoạt oxy hóa(hydrogen peroxide, 8-isoprestane) tăng trong bề mặtbieeur mô đường hô hấp, trong đờm và trong máu của bệnh nhân COPD. Kích hoạt oxy hóa có một số hậu quả xấu ở phổi bao gồm kích hoạt các yếu tố gây viêm, bất hoạt kháng protease, kích thích tiết đờm.

Copy ghi nguồn DaiHocDuocHanoi.com.

link bài viết: BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH.