Điều trị hội chứng Dress

0
397
Hội chứng Dress
Hội chứng Dress
  • Hội chứng DRESS là một phản ứng hiếm gặp do thuốc đặc trưng bởi tăng bạch cầu ái toan và tổn thương nội tạng.
  • Các biểu hiện bệnh thường khởi đầu chậm 2-6 tuần sau khi bắt đầu điều trị thuốc và có thể tái phát nhiều lần, rất lâu sau khi ngừng thuốc. Bệnh có thể nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

Điều trị

Nguyên tắc chung

  • Ngừng ngay thuốc nghi ngờ và hạn chế dùng nhiều loại thuốc, chú ý là trong hội chứng này, phản ứng chéo xảy ra thường xuyên hơn các thể dị ứng thuốc khác.
  • Bồi phụ nước, điện giải, dinh dưỡng phù hợp với xét nghiệm.
  • Điều trị triệu chứng thương tổn nội tạng, theo dõi sát bằng xét nghiệm.
  • Thể nhẹ, không có thương tổn nội tạng nặng: dùng corticoid tại chỗ.
  • Nếu có thương tổn gan, phổi, thận: dùng corticoid toàn thân.

Điều trị cụ thể

+ Người bệnh không có thương tổn nội tạng nặng:

(không có bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm về thương tổn thận, phổi, men gan tăng < 3 lần bình thường, chỉ có thương tổn da từ nhẹ đến nặng)

  • Dùng corticosteroid tại chỗ nhóm mạnh hoặc vừa (clobetasol, betametason) 2-3 lần mỗi ngày trong 1 tuần.
  • Corticosteroid đường toàn thân không có tác dụng cải thiện bệnh nhanh hơn.

+ Người bệnh có thương tổn nội tạng nặng:

– Thương tổn gan nặng:

  • Hạn chế tối đa các thuốc đào thải qua gan hoặc gây hại đến gan, theo dõi thương tổn gan bằng xét nghiệm và hỗ trợ chức năng gan.
  • Corticosteroid đường toàn thân không có giá trị cải thiện thương tổn gan do thuốc.
  • Trường hợp nặng chỉ có thể được giải quyết bằng ghép gan.

– Thương tổn phổi hoặc thận nặng

(có biểu hiện khó thở trên lâm sàng, thương tổn phổi trên X-quang và thiếu oxy máu hoặc creatinin tăng >150% bình thường, protein niệu, đái máu)

  • Dùng corticosteroid toàn thân (methylprednisolon, prednisolon) liều trung bình đến cao 0,5-2 mg/kg/ngày cho đến khi cải thiện lâm sàng và xét nghiệm.
  • Sau đó, nên hạ liều thuốc trong 8-12 tuần để tránh tái phát.

+ Chú ý: corticosteroid đường toàn thân không gây hại gì cho người bệnh trong trường hợp thương tổn nội tạng nặng nhưng không cải thiện tỉ lệ tử vong cho người bệnh

Tiến triển và biến chứng

  • Tỉ lệ tử vong là 5-10% dù có hay không dùng corticosteroid đường toàn thân. Tử vong chủ yếu do thương tổn gan, thương tổn nhiều cơ quan nội tạng, viêm cơ tim cấp
  • Hầu hết người bệnh hồi phục sau vài tuần đến vài tháng ngừng thuốc, ít để lại di chứng.
  • Tuy nhiên, có một số trường hợp phát triển bệnh tự miễn sau này nên cần phải theo dõi kéo dài ít nhất 1 năm sau khi khỏi bệnh.