Những điều cần lưu ý về bệnh viêm dạ dày cấp tính.

0
520
dạ dày

Viêm dạ dày cấp là một quá trình viêm niêm mạc cấp tính, thường là một trạng thái nhất thời, có đặc tính khởi phát bất ngờ, diễn biến nhanh. Viêm có thể phối hợp với chảy máu ở niêm  mạc, trong những trường hợp nặng hơn có sự long tróc biểu mô bề mặt. Dạng trợt sướt này là một nguyên nhân quan trọng của sự xuất huyết tiêu hoá.

Viêm loét đường tiêu hóa

1. Bệnh nguyên bệnh sinh

Sinh bệnh học của viêm dạ dày cấp còn ít được hiểu biết, một phần vì cơ chế bình thường về sự bảo vệ niêm mạc dạ dày không rõ ràng. Viêm dạ dày cấp thường kết hợp với:

– Dùng nhiều thuốc kháng viêm không steroid, đặc biệt là aspirin.

– Uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá nhiều.

– Ăn chất nóng, lạnh, cay, rắn khó tiêu

– Các strees mạnh (chấn thương, bỏng…)

– Tăng urê huyết

– Điều trị ung thư bằng các thuốc hoá trị liệu.

– Nhiễm khuẩn toàn thân (cúm, sởi, viêm phổi, thương hàn…)

– Sau cắt đoạn dạ dày

– Tự tử bằng acid, kiềm.

Người ta cho rằng tình trạng viêm cấp là do một hoặc nhiều ảnh hưởng tác động đến, như sự tăng tiết acid với sự khuếch tán ngược làm giảm sản xuất đệm bicarbonate, giảm lưu lượng máu, sự phá vỡ của lớp chất nhầy bề mặt dẫn đến tổn thương lớp biểu mô. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng phần lớn bệnh nhân viêm dạ dày là tự phát không phối hợp với các rối loạn.

2. Hình thái học

Dựa vào những thay đổi hình thái học của niêm mạc dạ dày để xác định mức độ nặng nhẹ của viêm cấp:

– Ở mức độ nhẹ: viêm thanh dịch, viêm tơ huyết. Niêm mạc dạ dày, phù nề, sung huyết, bề mặt có phủ lớp chất nhầy dày hoặc lớp tơ huyết màu xám hay nâu xám.

– Ở mức độ nặng: viêm trợt, xuất huyết. Niêm mạc dạ dày, các nếp thô to, rỉ tiết dịch mủ lẫn fibrin, có các vùng trợt và xuất huyết. Vết trợt có thể nhỏ hoặc lớn, rải rác ở niêm mạc. Xuất huyết có thể xảy ra riêng lẻ tạo nên những đám đen nhỏ trên niêm mạc xung huyết hoặc phối hợp với trợt.

Vi thể:

– Mức độ nhẹ: biểu mô bề mặt còn nguyên vẹn, tế bào tăng chế nhầy, có thoái hoá loạn dưỡng hoặc mất màng đỉnh. Các tuyến không có sự thay đổi, hoặc thay đổi không đáng kể. Lớp đệm phù vừa phải, xung huyết mức độ nhẹ hoặc vừa và xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính vừa phải. Rải rác có bạch cầu đa nhân nằm giữa các tế bào biểu mô và trên màng đáy của lớp biểu mô phủ và/ hoặc biểu mô tuyến.

– Mức độ nặng: biểu mô bề mặt thoái hoá trợt, long tạo nên sự khuyết lõm biểu mô, nhưngchưa qua cơ niệm, có thể thấy tế bào biểu mô tuyến bị thoái hoá loạn dưỡng hoặc long vào trong lòng tuyến. Mô đệm phù nề và xung huyết nặng, chảy máu, xâm nhập tế bào viêm nặng.Nhiều bạch cầu đa nhân trung tính phân tán hoặc tập trung thành đám, xâm nhập vào giữa tếbào biểu mô phủ, biểu mô tuyến, vào các hố lõm và trong lòng tuyến. Tế bào viêm có thể xâm nhập toàn bộ chiều dày của niêm mạc tới cơ niêm.

3. Liên hệ lâm sàng

Tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của những biến đổi ở niêm mạc, viêm dạ dày cấp có thể hoàn toàn không có triệu chứng hoặc đau thượng vị không rõ ràng, buồn nôn và nôn. Một số trường hợp có xuất huyết rõ, nôn ra máu ồ ạt, ỉa phân đen, gây mất máu và có thể dẫn tới tử vong.

Niêm mạc dạ dày nói chung được hồi phục hoàn toàn, nhưng trong những trường hợp tái diễn nhiều đợt có thể dẫn tới viêm niêm mạc dạ dày mạn tính. Về điều trị: dùng thuốc chống co thắt, băng niêm mạc dạ dày và thuốc làm giảm gia tăng acid,kết hợp với kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, đồng thời cần tìm nguyên nhân để loại trừ chúng.

copy ghi nguồn : daihocduochanoi.com

Link bài viết tại : Những điều cần lưu ý về bệnh viêm dạ dày cấp tính